Khai Ấn Đền Trần

(PLVN) -  Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân vẫn thường lui tới các địa điểm tâm linh như chùa hay miếu để cầu hạnh phúc, bình an cho bản thân và gia đình, điều đó đã trở thành một điều không thể thiếu trong văn hoá của người dân Việt Nam vào thời điểm cận kề giao thừa cũng như là ngày đầu năm mới. Đặc biệt trong mỗi dịp mùa xuân về, cũng là thời điểm nhiều lễ hội đình chùa mở cửa đón du khách thập phương và thật thiếu sót nếu như nói đến các lễ hội tâm linh mà bỏ qua đền Trần của TP. Nam Định, nơi đây được coi là mảnh đất “Địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa với nhiều lễ hội gắn với những di tích lịch sử từ ngàn đời.
Lễ hội Khai Ấn Đền Trần, thành phố Nam Định

SỐNG VUI SỐNG KHOẺ - KHAI ẤN ĐỀN TRẦN

Người thực hiện: Thục Khuê

Quý vị đang nghe chuyên mục Sống vui Sống khỏe trên radio PL - BPLVN

Thưa quý vị, vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân vẫn thường lui tới các địa điểm tâm linh như chùa hay miếu để cầu hạnh phúc, bình an cho bản thân và gia đình, điều đó đã trở thành một điều không thể thiếu trong văn hoá của người dân Việt Nam vào thời điểm cận kề giao thừa cũng như là ngày đầu năm mới. Và chính những lễ hội tâm linh từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam, đặc biệt trong mỗi dịp mùa xuân về, cũng là thời điểm nhiều lễ hội đình chùa mở cửa đón du khách thập phương và thật thiếu sót nếu như nói đến các lễ hội tâm linh mà bỏ qua đền Trần của TP. Nam Định, nơi đây được coi là mảnh đất “Địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa với nhiều lễ hội gắn với những di tích lịch sử từ ngàn đời.

Lễ hội Khai Ấn Đền Trần Nam Định được tổ chức vào dịp đầu xuân hằng năm nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều nhà Trần đã có công dựng nước khai sông, lấn biển mở mang bờ cõi với hào khí Đông A sáng ngời với ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông. Ngoài ra, Nghi lễ khai ấn đền Trần được tổ chức với ý nghĩa nhân văn cầu mong cho đất nước thái bình, thịnh trị. Ấn của nhà Trần khắc chữ “Trần triều điển cố” và “Tích phúc vô cương”.

Ông Trần Huy Chiến, Trường từ đền Trần, Nam Định có đôi lời chia sẻ về nguồn gốc của ấn đền Trần:

(Cắt phỏng vấn)

Lễ khai ấn đền Trần diễn ra vào đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng. Tuy thời gian diễn ra muộn nhưng vẫn thu hút một lượng lớn người dân, phật tử về chiêm bái. Lễ khai ấn được diễn ra với 3 nghi thức: Dâng hương, rước kiệu ấn và khai ấn tại Tiên Miếu nhà Trần (phủ Thiên Trường).

Trình tự của buổi khai ấn diễn ra như sau: Lễ khai ấn được diễn ra vào đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm tại đền Trần thuộc phường Lộc Vượng, TP Nam Định. Tuy nhiên, chương trình lễ hội đã được diễn ra từ ngày 11 tháng Giêng với lễ rước Kiệu Ngọc Lộ cùng các nghi lễ tại chùa Phổ Minh, đền Thiên Trường. Ngày 12 tháng Giêng là lễ rước Nước, tế Cá từ đền Cố Trạch về đền Thiên Trường.

Các nghi lễ được cử hành trang trọng theo nghi thức truyền thống, vào đêm khai ấn thì từ 22h40 bắt đầu với nghi lễ dâng hương tới các vị vua Trần, do UBND TP Nam Định chủ trì. Sau đó là lễ rước kiệu ấn bắt đầu từ sân đền Cố Trạch qua cổng chính tới đền Thiên Trường.

Nghi lễ khai ấn bắt đầu từ 23h15 tại ban thờ Trung thiên đền Thiên Trường. Lúc này sẽ có 14 cụ cao niên, trong dòng họ Trần tại làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng và đại diện một số Ban, ngành, đoàn thể chứng kiến nghi lễ đóng dấu khai ấn (14 cánh ấn bằng giấy màu vàng). Những lá ấn này sau đó được dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng, như: Đền Thiên Trường; đền Cố Trạch; đền Trùng Hoa; chùa Phổ Minh; Văn chỉ Hiền Đàn; đình Tức Mặc; đình Kênh; đình Bái; đình Vĩnh Trường…

Sau khi các nghi lễ chính được diễn ra thì từ 23h55 trở đi mới mở cửa đền cho người dân và khách thập phương vào lễ đầu năm. Và đến 5h sáng ngày 15 tháng Giêng bắt đầu phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa.

Nghi lễ Khai ấn đền Trần luôn nhận được sự quan tâm của mọi người ở khắp nơi, mọi người thường đổ về để cầu bình an, tài lộc vì với nhiều người cho rằng Ấn mang lại sự thăng quan tiến chức, phát tài phát lộc nên mỗi khi lễ hội tâm linh này được tổ chức thì thường xảy ra tình trạng xô đẩy nhau mong muốn có được Ấn thiêng nhưng đó là cách hiểu chưa đúng về Ấn đền Trần.

Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban quản lý di tích đền Trần, chùa Tháp, tỉnh Nam Định đã có lời chia sẻ về vấn đề này:

(Cắt phỏng vấn)

Nghi lễ tâm linh này mang ý nghĩa rất tốt đẹp và chính chủ tịch UBND TP. Nam Định Phạm Duy Hưng cũng phát biểu vào lễ hội khai ấn năm ngoái, năm 2023 rằng Lễ Khai ấn được duy trì tổ chức hằng năm không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Lễ hội cũng là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức đối với Vương triều Trần, khơi dậy niềm tự hào về Hào khí Đông A của quân dân Đại Việt 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông thuở trước.

Bên cạnh đó, việc khai ấn còn thể hiện ý nghĩa lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, một năm bình an, hạnh phúc. Và với những giá trị to lớn ấy, lễ khai ấn đền Trần đã trở thành một tập quán, một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc và hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân địa phương và phật tử cả nước về tham dự.

Thưa quý vị, đến đây thì số phát sóng lần này cũng đã kết thúc. Hi vọng rằng, vào dịp Tết Nguyên Đán này, quý vị sẽ có thật nhiều sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc để đón năm mới Giáp Thìn 2024. Cảm ơn quý thính giả đã quan tâm, lắng nghe. Xin kính chào và hẹn gặp lại. Chương trình được thực hiện bởi Thục Khuê.

Phỏng vấn: Ấn đền Trần và ý nghĩa của “Tích phúc vô cương” - VNEWS

Đọc thêm