Đợt dịch bệnh Covid-19 đầu năm 2021 hiện nay đang có diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính là do không tìm được nguồn lây bệnh Covid-19 trong cộng đồng, người dân chủ quan về dịch bệnh, có nhiều cá nhân, tổ chức không khai báo, che giấu bệnh của chính mình và của người thân. Thậm chí, có những cá nhân mắc bệnh còn cố tình tắt điện thoại, từ chối nhận cuộc gọi, chặn số của Bộ Y tế, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong quá trình truy tìm ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh.
Trước sự việc trên, Luật sư Nguyễn Đào Tơ- Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Huy (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết:
Với tính chất nguy hiểm của đại dịch toàn cầu của bệnh truyền nhiễm nhóm A và sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của người dân, Nhà nước đã ban hành các văn bản thực hiện các biện pháp xử lý đối với những hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngày 01/04/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 xác định dịch bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm kịp thời để ổn định cuộc sống, đảm bảo sức khỏe của người dân.
Ngày 28/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 05/CT-TTg chỉ đạo phải xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức trong quá trình phòng, chữa bệnh Covid-19 đặc biệt là các hành vi gian dối khai báo về dịch bệnh. Cụ thể, với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm Covid-19 bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng hoặc có hành vi che giấu tình trạng bệnh của bản thân hoặc của người khác đối với dịch bệnh Covid-19 bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Ngoài ra, Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP cũng quy định trong quá trình áp dụng biện pháp chống dịch phát hiện hành vi che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
Cũng theo luật sư Tơ, đối với những hành vi cố tình khai báo gian dối dẫn tới lây lan dịch bệnh Covid-19 (dịch bệnh truyền nhiễm) nguy hiểm cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, khung hình phạt thấp nhất của hành vi này là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Tuy nhiên, ngoài hành vi khai báo gian dối để che giấu dịch bệnh Covid-19 mà mình mắc phải hoặc người thân thì còn xuất hiện một số đối tượng cố tình khai báo bản thân có bệnh để được xét nghiệm Covid-19, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Hành vi khai báo thông tin giả này bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Thiết nghĩ, cơ quan nhà nước phải xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi cố tình khai báo gian dối về dịch bệnh Covid-19; đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân về việc khai báo y tế để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán hiện nay.