Tham dự buổi Lễ có Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Lào tại Việt Nam Outhay Bannavông; Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Chu Thị Hoa; Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế, Giám đốc Trung tâm tư vấn và bồi dưỡng nghiệp vụ Dương Đăng Huệ; các Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu, Trương Thế Côn.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu bày tỏ sự vui mừng được tổ chức Lễ khai giảng Lớp Bồi dưỡng kỹ năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Hà Nội cho giảng viên, cán bộ nước CHDCND Lào. Đồng thời nhấn mạnh Dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào nhằm góp phần thực hiện Chiến lược tổng thể về lĩnh vực pháp luật đến năm 2020 của CHDCND Lào, nhất là trụ cột thứ ba về tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ của các cơ quan pháp luật và tư pháp đến năm 2020, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền của Lào.
Theo ông Thu, đây là lớp bồi dưỡng đầu tiên nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật mà Bộ Tư pháp hai nước đã xác định. Việc triển khai Lớp Bồi dưỡng này góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của Dự án và cũng là cơ hội để các cán bộ, giảng viên CHDCND Lào được nghiên cứu, học tập kỹ năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về công tác xây dựng pháp luật tại Việt Nam.
Phó Giám đốc Học viện Nguyễn Xuân Thu phát biểu khai mạc |
Ông Thu cũng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp, hai Học viện Tư pháp trong thời gian qua và đề nghị thời gian tới, các cơ quan, đơn vị liên quan của cả hai Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường hơn nữa sự hợp tác, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, trao đổi thông tin, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của nhau để cùng nhau sớm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của Dự án.
Để triển khai hiệu quả Lớp Bồi dưỡng này, ông Thu yêu cầu các đơn vị thuộc Học viện Tư pháp cần tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho Lớp. Trọng tâm là tổ chức bồi dưỡng theo đúng chương trình đã được phê duyệt, chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, đảm bảo chất lượng phiên dịch để có thể truyền tải đầy đủ, chính xác nội dung giảng dạy của các giảng viên cho học viên; quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ lưu học sinh Lào trong quá trình học tập, sinh hoạt tại Học viện…
Ông Thu cũng mong Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị liên quan thuộc Bộ quan tâm hơn, tích cực, chủ động phối hợp với Học viện Tư pháp trong quá trình tổ chức Lớp Bồi dưỡng, kịp thời nắm bắt các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình và tham mưu cho Lãnh đạo Bộ các giải pháp, biện pháp giải quyết phù hợp, kịp thời.
Toàn cảnh Lễ khai giảng |
Đối với các học viên, Phó Giám đốc Học viện bày tỏ mong muốn các học viên sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành các mục tiêu học tập và sẽ ứng dụng một cách hiệu quả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm học hỏi được từ Lớp Bồi dưỡng này trong tương lai. Bởi lẽ, những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm được trang bị không chỉ phục vụ trực tiếp công việc chuyên môn mà còn là kinh nghiệm để đóng góp vào hoạt động xây dựng pháp luật cho nước CHDCND Lào, qua đó giúp đạt được mục tiêu của Dự án.
Được biết, chương trình bồi dưỡng có tổng thời lượng 120 tiết, gồm 9 chuyên đề giảng dạy. Chương trình bồi dưỡng về kỹ năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vừa mang tính tổng quan toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vừa chi tiết từng kỹ năng trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nên có tính thiết thực và hữu ích cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật tham gia Lớp.
Nội dung chương trình cũng dành nhiều thời gian để học viên, giảng viên cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các quy định mới trong lĩnh vực xây dựng pháp luật mà nước bạn Lào chưa quy định, tạo điều kiện cho các học viên có cơ hội tìm hiểu sâu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, phương pháp, cách thức xử lý tình huống trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Không những thế, thời lượng thảo luận và nghiên cứu thực tế được tăng cường để các học viên có điều kiện tìm hiểu sâu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, phương pháp, cách thức xử lý tình huống trong công tác, về đất nước và con người Việt Nam, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó giữa hai quốc gia, hai dân tộc.