Khai mạc Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc

(PLVN) -  Sáng nay - 21/9, Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến sẽ khai mạc tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ. Trọng tâm thảo luận của các nhà lãnh đạo thế giới là thúc đẩy các nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19 và chống biến đổi khí hậu.
Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 76 ĐHĐ LHQ dự kiến sẽ khai mạc hôm nay - 21/9. (Ảnh minh họa)

Theo Reuters, năm ngoái, đại dịch COVID-19 đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới phải gửi phát biểu ghi hình tới Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ).

Năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hoành hành ở nhiều nơi, lãnh đạo của khoảng 1/3 trong số 193 nước thành viên LHQ dự kiến sẽ gửi phát biểu được ghi hình của họ tới phiên thảo luận.

Lãnh đạo của 2/3 các nước còn lại, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Nhà vua Jordan Abdhullah II, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Anh và Israel, dự họp trực tiếp.

Trước thềm sự kiện, thành phố New York của Mỹ đã thắt chặt an ninh với sự hiện diện của cảnh sát ở khắp nơi. Sở Cảnh sát New York cho biết chưa ghi nhận nguy cơ an ninh nào rõ rệt nhưng vẫn áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh ở mức cao nhất cho sự kiện này.

Từ sáng 20/9, các tuyến phố xung quanh trụ sở LHQ đã đóng hoàn toàn, chỉ những người được cấp thẻ mới được ra vào. Các trạm kiểm soát an ninh theo nhiều vòng cũng đã được thiết lập ở các tuyến đường dẫn tới trụ sở LHQ.

Để phòng chống dịch COVID-19, theo yêu cầu của giới chức New York, những người đến dự họp phải khẳng định đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ nhưng không phải xuất trình bằng chứng về việc đã tiêm phòng.

Ngoài ra, giới chức thành phố New York cũng đã thiết lập một trạm lưu động bên ngoài tòa nhà LHQ để xét nghiệm và tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Johnson & Johnson (JNJ.N) miễn phí. Vaccine này chỉ cần một liều.

Một trong những trọng tâm thảo luận của lãnh đạo các nước tại phiên thảo luận cấp cao lần này là về phòng, chống dịch COVID-19. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trong một phát biểu ngày 19/9 nhấn mạnh về sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong việc tiếp cận vaccine. Ông Guterres đang thúc đẩy một kế hoạch toàn cầu hướng tới mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào nửa đầu năm sau.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đã đề xuất triển khai một chương trình vaccine trị giá 50 tỷ USD cho các nước nghèo hơn. Theo thống kê, trong số 5,7 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên khắp thế giới cho đến nay, chỉ có 2% là ở châu Phi.

Trong ngày hôm nay - 21/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ trực tiếp phát biểu tại phiên thảo luận, là lần đầu tiên ông phát biểu tại LHQ kể từ khi nhậm chức. Theo bà Linda Thomas-Greenfield - Đặc phái viên Tổng thống Mỹ tại LHQ, ông Biden sẽ đề cập về các ưu tiên hàng đầu của Mỹ, bao gồm chấm dứt đại dịch COVID-19; chống biến đổi khí hậu và bảo vệ nhân quyền, dân chủ và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Do đại dịch, các phái đoàn của các nước dự phiên thảo luận bị hạn chế với số lượng thành viên ít hơn nhiều so với các khóa trước. Hầu hết các sự kiện bên lề sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Ngoài đại dịch COVID-19, trong số các chủ đề khác của phiên thảo luận dự kiến​​ là về tình hình Afghanistan và Iran.

Trước thềm phiên thảo luận, ngày 20/9, Tổng thư ký LHQ Guterres và Thủ tướng Anh Boris Johnson đồng chủ trì một hội nghị thượng đỉnh để ngăn nguy cơ hội nghị thượng đỉnh của LHQ dự kiến khởi động tại Glasgow, Scotland, Anh vào ngày 31/10 tới thất bại.

Trong bối cảnh các nhà khoa học cảnh báo rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu đang ở mức nguy hiểm gần như vượt ngoài tầm kiểm soát, hội nghị COP26 của LHQ dự kiến được tổ chức nhằm mục đích thu hút các hành động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu đầy tham vọng hơn cũng như ngân sách để thực hiện kế hoạch từ các bên tham gia trên toàn cầu. “Đã đến lúc gióng lên hồi chuông báo động”, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh.

Theo thông báo của giới chức Mỹ, ông Biden dự kiến sẽ chỉ ở New York trong khoảng 24 giờ. Ngoài phát biểu tại phiên thảo luận, ông có cuộc gặp với Tổng thư ký LHQ Guterres. Ngay sau đó, ông sẽ về Nhà Trắng để chủ trì một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo thế giới và giám đốc điều hành của các hãng dược về đại dịch COVID-19.

Hội nghị dự kiến diễn ra trong ngày 22/9. AFP dẫn tuyên bố của Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm mở rộng và nâng cao những nỗ lực chung của các nước nhằm đánh bại COVID-19 đồng thời tìm cách “thống nhất một tầm nhìn chung” về việc chống lại dịch bệnh.

Bà Psaki cho biết thêm, hội nghị thượng đỉnh do Mỹ chủ trì sẽ được tiến hành trên cơ sở kết quả đạt được từ các cuộc họp trước đó của các nhà lãnh đạo thế giới và các bộ trưởng tại các diễn đàn như G7, G20 và sáng kiến hợp tác của G20 nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển, sản xuất và tiếp cận công bằng đối với chẩn đoán, điều trị và vaccine COVID-19 có tên Act Accelerator. Hiện chưa rõ chi tiết về những nhà lãnh đạo sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh do Tổng thống Mỹ chủ trì.