Từ lâu, An Giang đã là lựa chọn lý tưởng của “dân phượt” và điểm đến hấp dẫn cho nhiều du khách. Du khách dễ bị An Giang cuốn hút bởi những địa điểm du lịch mang yếu tố tâm linh, những khung cảnh mênh mông của cánh đồng bạt ngàn cùng với nhiều ngọn núi sừng sững nối tiếp nhau tạo nên một bức tranh hùng vĩ của núi đồi miền Tây. Đặc biệt, khi vào mùa nước nổi, du khách không thể nào cưỡng lại với vẻ đẹp hoàn hảo của An Giang.
“Bức tranh thuỷ mặc” được tạo nên một cách vô tình
Đến huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, du khách sẽ dễ dàng bị cuốn hút bởi những cánh đồng ruộng bậc thang mênh mông, bạt ngàn dài đến vô tận cùng với những cảnh vật thơ mộng, yên bình do thiên nhiên ban tặng, đẹp đến mê người. Đặc biệt, khi đến Tri Tôn, du khách sẽ không thể nào “bỏ quên” hồ Tà Pạ - “bức tranh thuỷ mặc” lãng mạn và nên thơ.
Hồ Tà Pạ được nhiều người biết đến và các “phượt thủ” quen gọi là “Tuyệt tình cốc của miền Tây”. Đồi không lớn nhưng cái vẻ đẹp lãng mạn, thanh bình, hoang sơ và trầm mặc ấy khiến du khách đến đây không thể nào hững hờ bỏ qua. Hồ Tà Pạ nằm trên đồi Tà Pạ hay còn gọi là núi Tà Pạ (thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) là một trong bảy núi với tên gọi Thất Sơn nổi tiếng. Mặc dù nằm cách thị trấn Tri Tôn chỉ khoảng 1 cây số nhưng khi đến hồ Tạ Pà du khách sẽ cảm nhận được một khung cảnh hoàn toàn khác, hoang sơ và huyền bí. Đây là địa điểm được nhiều người biết đến nhưng vì còn khá hoang sơ nên rất khó tìm.
Từ chợ Tri Tôn đi hết đường Nguyễn Trãi theo hướng về Khu du lịch đồi Tức Dụp chạy đến chùa Tà Pạ, hay chùa Chưn Num (theo tiếng Khmer). Từ cổng chùa đi khoảng 400m là sẽ lên tới đỉnh đồi Tà Pạ. Vì đường đi gập ghềnh, khó khăn nên chỉ có thể di chuyển bằng xe máy hoặc đi bộ. Những ai đi xe ô tô thì phải gửi xe ở dưới và đi bộ lên.
Mặc dù thế, nhưng “chướng ngại vật” này không thể nào cản được bước đi khám phá và muốn chiêm ngưỡng cảnh đẹp của du khách. Khi lên đến đỉnh đồi, du khách sẽ cảm thấy bất ngờ với khung cảnh đẹp đến nao lòng, tựa như “bồng lai tiên cảnh”. Lúc này bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến theo cảnh đẹp nơi đây. Sự khó khăn và mệt mỏi của đường xa, gập ghềnh trắc trở đã được đền đáp.
Cuộc đời vốn dĩ rất công bằng, khi khai thác đá, con người đã lấy đi của Tà Pạ một màu xanh vốn có của khung cảnh núi rừng để lại nhiều “vết thương lở loét”. Núi Tà Pạ cao 120m nhưng do sau thời gian dài khai thác đá chỉ còn lại độ cao khiêm tốn 45m. Có ngờ đâu những “vết thương” đó vô tình tạo nên một vẻ đẹp riêng biệt, đặc trưng của đồi Tà Pạ.
Nếu trước đây, khi đến Tà Pạ du khách chỉ có thể lên Tà Pạ để xem cảnh đồng lúa bạt ngàn, ruộng bậc thang duy nhất của miền Tây hay ghé thăm ngôi chùa Phật giáo Nam Tông cổ kính thì bây giờ, hồ Tà Pạ lại chính là điểm thu hút và “níu chân” du khách ở lại lâu nhất. Mỗi góc cạnh của mặt hồ và những tảng đá trơ thân giữa mưa nắng sẽ là điểm thu hút và tạo nên những khung cảnh đẹp như tranh.
Đứng ở những vị trí khác nhau, khách lại cảm nhận một vẻ đẹp khác của hồ. Chỉ cần chệch hướng nhìn một góc nhỏ sang trái hoặc sang phải lại là một bức tranh khác. Tà Pạ không phải là một “bức tranh thuỷ mặc” mà là bộ sưu tập những bức tranh thuỷ mặc sơn thuỷ hữu tình. Vì vậy, không phải tự nhiên mà nhiều người không ngại đường sá xa xôi, trắc trở để một lần “chinh phục” và chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ, huyền bí này.
Mặt hồ phẳng lặng soi bóng những cột đá mờ mờ ảo ảo đến nao lòng |
Từ nghĩa địa trở thành điểm đến lý tưởng của khách du lịch
Trước đây, nơi này là một nghĩa địa cổ rất rộng lớn, người dân bản địa chỉ lên đồi vào dịp thanh minh hàng năm. Còn người Khmer thì thường đến ngôi chùa Nam Tông cổ ở đỉnh thấp của ngọn đồi. Khi công trường khai thác đá trên núi ngừng hoạt động đã để lại những dấu vết hình thành hồ Tà Pạ như ngày nay. Từ đó, Tà Pạ nổi lên như một điểm đến “hot” thu hút các phượt thủ gần xa.
Trước đây, người dân Tri Tôn chỉ lên đồi Tà Pạ vào dịp thanh minh vì đó là một nghĩa địa rộng lớn. Còn người Khmer thường xuyên đến Tà Pạ vì trên đỉnh thấp của ngọn đồi có một ngôi chùa Nam Tông cổ kính. Tuy nhiên, những năm gần đây người dân lại “bất ngờ” bởi “bức tranh thuỷ mặc” đẹp đến “mê hồn” này.
Hồ Tà Pạ thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp trong trẻo và khung cảnh hữu tình, tưởng rằng chỉ có trong truyền thuyết. Những bức tường đá do sự tạo tác vô tình của con người, góc cạnh chằng chịt mang những hình thù kỳ quái như những tượng đài sừng sững, uy nghi, hoặc như những cột chống trời trên đồi Tà Pạ. Những cột đá đó bao quanh hồ Tà Pạ xanh biếc, trong vắt.
Điểm thú vị tạo nên sức cuốn hút và mê hoặc của hồ Tà Pạ là màu nước thay đổi liên tục và tuỳ chỗ nước sâu hay cạn mà có màu sắc khác nhau, đá nằm dưới hồ cũng góp phần tô điểm và làm đa dạng thêm cho màu nước hồ. Chỗ sâu thì có màu xanh thẫm, chỗ cạn có màu xanh nhạt, chỗ thì có màu đen, chỗ thì màu cam, khi thì thay đổi theo sắc mây trời, tạo ra cảm giác mới lạ liên tục cho người xem.
Khi trời trong xanh nước hồ hiện lên một màu ngọc bích, phẳng lì như gương. Hai điều này hoà quyện với nhau đã giúp cho Tà Pạ trở thành một “bức tranh thuỷ mặc” sơn thuỷ hữu tình. Nơi đây vừa có không khí trong lành, cảnh quan tuyệt đẹp, vừa hấp dẫn bởi sự cổ kính và uy nghiêm của ngôi chùa trên núi của Phật giáo dòng Nam Tông Khmer. Hơn nữa, du khách còn cảm nhận được sự mến khách của người dân bản địa.
Đồi và Hồ Tà Pạ như bức tranh sơn thuỷ hữu tình |
Đứng trên đồi Tà Pạ nhìn xuống, cảm xúc vỡ oà khi bao nhiêu cảnh đẹp từ mọi phía, mọi góc nhìn đều thu trọn vào trong tầm mắt một khung cảnh thơ mộng mê hoặc lòng người đến từng góc cạnh. Toàn cảnh thị trấn Tri Tôn hiện ra trong khung cảnh mờ ảo xa xôi của mây mù và sương sớm. Núi non hùng vĩ bao quanh, những hồ nước trầm mặc nhẹ nhàng lăn tăn gợn sóng. Những cánh đồng vàng và xanh mơn mởn đến những ngọn núi trập trùng cây xanh, vách đá. Đặc biệt trong mùa lúa chín, màu vàng của lúa trải bạt ngàn xa ngút tầm mắt, càng tô điểm thêm cho bức tranh thiên nhiên đồng quê thêm ấn tượng.
Có lẽ, chưa có chỗ nào như đồi Tà Pạ. Từ một góc nhìn, có thể khám phá những mảng màu khác nhau. Quay một góc 180 độ từ hồ Tà Pạ sang thung lũng lại là một không gian khác, màu sắc khác. Nếu không một lần đến đây sẽ không ai nghĩ rằng một ngọn đồi nhỏ, với độ cao hiện tại chỉ khoảng 45m lại có thể “thu vào tầm mắt muôn trùng nước non” (thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Để rồi “đốn tim” làm mê mẩn tâm hồn biết bao du khách. Nhiều cặp đôi còn chọn nơi đây làm nơi lưu giữ những kỷ niệm trọng đại nhất của cuộc đời mình. Những bộ ảnh cưới, những bộ hình ngoại cảnh tại nơi đây càng tôn thêm vẻ đẹp “hớp hồn” của hồ Tà Pạ.
Giữa những bộn bề cuộc sống, Tà Pạ chính là điểm đến lý tưởng để con người tìm lại những phút giây thư giãn thoải mái với cảnh non xanh nước biếc và không khí làng quê yên bình, tĩnh lặng. Ai đã từng có tuổi thơ sinh sống ở miền quê Việt Nam thì khung cảnh Tà Pạ sẽ là bức tranh phản chiếu, giúp con người gợi nhớ lại những hồi ức yên bình đã sống.