Khám phá những tu viện cổ có kiến trúc độc đáo trên thế giới

(PLO) -Những tu viện nằm đơn độc trên đỉnh núi hay cheo leo trên vách đá không chỉ mang lại cho du khách những ấn tượng sâu sắc nhờ kiến trúc độc đáo, mà còn để lại những trải nghiệm khó quên mỗi lần ghé thăm.
Khám phá những tu viện cổ có kiến trúc độc đáo trên thế giới

1.Tu viện “hang cọp” Taktsang (Bhutan)

Tu viện Paro Taktsang là một trong những nơi linh thiêng nhất ở Bhutan. Tên gọi đầy đủ là tu viện Taktsang Palphug, còn được biết đến dưới tên tiếng Anh là The Tiger's Nest Monastery (Tu viện Hang Cọp). Xây dựng từ năm 1692, Hang Hổ nằm cheo leo trên vách đá granit có độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển, khoảng 900m so với thung lũng Paro. 

Theo truyền thuyết, đây là nơi Guru Padmasambhava- một nhân vật có tầm quan trọng khi đưa Phật giáo đến Bhutan đã ngồi thiền ở thế kỷ thứ 8. Và chín thế kỷ sau, tu viện Paro Taktsang được khởi công xây dựng tại chính nơi ông ngồi thiền.

Tu viện nằm cheo leo trên vách núi nhìn xuống thung lũng tuyệt đẹp
Tu viện nằm cheo leo trên vách núi nhìn xuống thung lũng tuyệt đẹp

Quần thể tu viện gồm có bốn ngôi điện chính và những khu nhà ở được thiết kế một cách khéo léo theo địa thế của các vách núi đá, nối với nhau bằng những bậc cấp và lối đi lát bằng đá.

Ở mỗi ngôi điện đều có ban công, đây là nơi lý tưởng cho du khách ngắm nhìn thung lũng Paro tuyệt đẹp ở phía dưới. Xung quanh khu vực của tu viện Paro Taktsang hiện có tám hang động, nhưng chỉ có bốn cái là dễ dàng vào thăm, bốn cái còn lại thì khó vào tham quan hơn.

Điều mà hầu hết du khách thích thú khi đến tham quan tu viện này là họ được dịp thể hiện khả năng leo núi và sức khỏe dẻo dai.

2. Tu viện treo Huyền Không ( Hằng Sơn, Trung Quốc)

Huyền Không Tự hay còn gọi là tu viện treo tọa lạc trên núi Hằng Sơn, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc là một ngôi chùa treo lơ lửng trên vách núi dựng đứng, cách mặt đất khoảng 50m, không có nền móng nghìn tấn mà lấy gỗ làm cột trụ chống đỡ.

Chùa được xây vào cuối đời vương triều Bắc Ngụy, ước tính đến nay đã có tuổi đời gần 1400 năm. Tạp chí Times của Mỹ từng bầu chọn ngôi chùa này là một trong 10 kiến trúc bí ẩn nhất thế giới.

Chùa Huyền Không như một bức điêu khắc tinh xảo được trạm khắc vào vách đá cao hiểm trở
Chùa Huyền Không như một bức điêu khắc tinh xảo được trạm khắc vào vách đá cao hiểm trở

Không gian bên trong chùa đa dạng nhưng khá chật hẹp với 40 điện thờ lớn nhỏ, phòng lớn nhất chỉ có 36,4m2, nhỏ nhất chưa tới 5m2.

Lối đi nối giữa các gian điện thờ có một số là cầu treo trên không, số khác là lối đi kín xếp theo kiểu hành lang gấp khúc, có bậc đá khắc trên vách núi tạo thành những lối đi quanh co tựa mê cung. Đôi khi lúc di chuyển trên cầu treo tạo ra âm thanh “ken két”, hơn nữa giữa các bậc còn có khe hở nhìn xuống vực sâu vạn trượng nên khiến ai chưa quen có cảm giác giật mình kinh sợ.

Mặc dù trải qua 2 lần địa chấn vào năm 1989 là 6,1 độ Richter và vào năm 1992 là 5,6 Richter nhưng ngôi chùa vẫn không chịu bất kỳ tổn thất nào. Nhận được sự bảo hộ tu hành của Thần linh ở nơi sở tại, ngôi chùa đã trải qua ngàn năm phong sương mà vẫn trường tồn bất diệt, kinh qua muôn người leo trèo mà không bị hủy. 

3. Tu viện Ganden (Tây Tạng)

Tu viện Ganden là một trong những đại tu viện Phật giáo đầu tiên và lớn nhất ở Tây Tạng. Tu viện được xây dựng vào đầu thế kỷ 15 (năm 1409) bởi Đại sư Tsongkhapa (Tông Khách Ba) - nhà cải cách lừng danh của Phật giáo Tây Tạng. 

Tu viện Ganden nổi bật với ngôi nhà trắng san sát nhau
Tu viện Ganden nổi bật với ngôi nhà trắng san sát nhau

Tu viện Ganden cách Lhasa khoảng 45km, trên độ cao 4.300m và khá biệt lập với thế giới bên ngoài. Vào đầu thế kỷ 20, tại đây có một lượng dân nhỏ sinh sống với hơn 6.000 nhà sư nhưng đến năm 1959, tu viện đã hoàn toàn bị phá hủy bởi các Hồng vệ binh. Sau đó tu viện được xây dựng lại và duy trì từ những năm 1980 nhưng hiện chỉ còn khoảng 170 nhà sư sinh sống.

Hàng năm, Đại pháp hội Cúng dường chư Phật - một trong những hoạt động lễ hội vĩ đại nhất của Phật giáo Tây Tạng - được tổ chức tại tu viện Ganden. Lễ hội đã thu hút hàng ngàn du khách và các đệ tử đến hành hương, thăm viếng.

4. Tu viện Taung kalat (Myanmar)

Tu viện Phật giáo Taung Kalat ở Myanmar được coi là một trong những công trình tôn giáo được xây dựng ở nơi hiểm trở nhất thế giới. Tu viện này được xây dựng trên đỉnh núi Popa, một ngọn núi lửa đã tắt từ nhiều thế kỷ trước.

Đây có thể coi là một công trình kỳ công của người Miến Điện cổ xưa khi tu viện tọa lạc trên vách núi dốc đứng, cao 737m so với mặt đất. Muốn lên tới đây, du khách phải leo tổng cộng 777 bậc thang.

Vượt qua hơn 700 bậc thang, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh đẹp nơi đây
Vượt qua hơn 700 bậc thang, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh đẹp nơi đây

Tu viện Taung Kalat là nơi tôn thờ Phật tổ cùng 37 vị Bồ tát đại diện cho 37 phẩm trợ đạo trong giáo pháp của đạo Phật. Tu viện đã này từng bị bỏ hoang và xuống cấp nặng nề trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, kể từ khi Myanmar mở cửa với khách du lịch quốc tế, tu viện đã được trùng tu và trở lại với dáng vẻ của thời hoàng kim.

Tayung Kalat đã trở thành một điểm đến không thể bỏ qua tại Myanmar, thu hút rất nhiều khách du lịch thập phương và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho cư dân trong vùng.

5. Tu viện Meteora (Hi Lạp)

Meteora - một quần thể tu viện rộng lớn được xây dựng trên những núi đá sa thạch tự nhiên ở miền Tây Bắc Thessaly, gần sông Pinios và núi Pindus của Hy Lạp. Địa chỉ du lịch hấp dẫn này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1988.

Quần thể gồm 20 tu viện tráng lệ được xây dựng vào thế kỷ 14 bởi những tu sĩ ở bán đảo Athos. Những tu viện này được đặt tên là Meteora mà trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "lơ lửng trong không trung”. Lối đi lên xuống tu viện Meteora có cầu thang chạm khắc vào đá, không còn dùng thang dây nữa nên vấn đề đi lại không còn là mối bận tâm đối với nhiều du khách tham quan.

Hiện tại Meteora chỉ còn lại 6 tu viện nguyên vẹn là nơi sinh sống cho các nam nữ tu sĩ
Hiện tại Meteora chỉ còn lại 6 tu viện nguyên vẹn là nơi sinh sống cho các nam nữ tu sĩ

Du khách có thể ghé thăm tu viện Meteora vào bất kì thời gian nào trong năm, nhưng nên tránh mùa cao điểm từ tháng 7 đến tháng 10 vì lượng khách viếng thăm khá đông.

Thời điểm lý tưởng nhất là từ tháng 12 đến tháng 3 vì lúc này thời tiết rất mát mẻ, số lượng khách tham quan không nhiều nên có thể thoải mái khám phá khu vực xung quanh tu viện Meteora.

Một điều đáng chú ý nữa là quy định về ăn mặc khá là nghiêm túc, cả nam và nữ đều phải mặc áo quần kín đáo, không được mặc quần shorts hay áo ngắn tay. Còn khoản phí viếng thăm tu viện là không bắt buộc, tùy lòng hảo tâm của mỗi du khách.