|
Với tiềm năng phong phú, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai chiến lược phát triển du lịch toàn diện, tập trung vào 4 sản phẩm chính: du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, MICE; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa Trà; và du lịch thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.
Tỉnh Thái Nguyên đang tập trung hoàn thiện và đưa vào khai thác các tuyến du lịch kết hợp giữa khám phá di tích lịch sử, văn hóa và trải nghiệm văn hóa trà độc đáo. Du khách có thể tham quan các địa danh nổi tiếng như Khu Di tích Lý Nam Đế, Khu di tích Quốc gia Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái, Đền Đuổm, Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa, Thiền viện trúc lâm Tây Trúc, Di tích núi Văn, núi Võ, Di tích lịch sử 27/7, và Khu du lịch Hồ Núi Cốc.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo). Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, điểm du lịch sinh thái hồ Ghềnh Chè, và dự án đường du lịch Sông Công - Núi Cốc… là những điểm đến nổi bật. Đặc biệt, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã được Tổ chức Du lịch Thế giới công nhận là một trong 32 làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022, khẳng định sức hút của du lịch sinh thái Thái Nguyên.
Cùng với đó, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định công nhận nhiều điểm du lịch cộng đồng, Điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên; Điểm du lịch bản Quyên xã Điềm Mặc, Huyện Định Hóa; Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai; Điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè xã Bình Sơn, thành phố Sông Công; Điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn, xã La Bằng; Điểm du lịch sinh thái xóm Đồng Khuân, xã Hoàng Nông, thuộc huyện Đại Từ.
|
Thái Nguyên đang triển khai những điểm du lịch địa phương |
UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 10/4/2023 triển khai thực Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025. Tập trung phát triển các điểm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và tham gia xây dựng nông thôn mới
Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững, sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo ra sản phẩm du lịch, vừa phục vụ du lịch (sản phẩm OCOP, hàng lưu niệm…) góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân.
Về chương trình OCOP, tỉnh đã đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho 173 sản phẩm OCOP, trong đó: 91 sản phẩm hạng 3 sao, 80 sản phẩm hạng 4 sao, 02 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia và 01 sản phẩm nhóm dịch vụ du lịch.
Bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống, Thái Nguyên còn khai thác tiềm năng du lịch thể thao và khám phá hang động. Hang Phượng Hoàng và hang Chùa Hang đã được đưa vào hoạt động, trong khi hang Suối Mỏ Gà với vẻ đẹp nguyên sơ đang được nghiên cứu để phát triển thành điểm đến du lịch mạo hiểm hấp dẫn.
Không ngừng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các điểm du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch và hạ tầng phụ trợ, hiện có hơn 535 cơ sở lưu trú, trên 100 nhà hàng và gần 3.200 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch. Tỉnh đã xây dựng quy hoạch du lịch tích hợp vào quy hoạch tỉnh, đồng thời thu hút đầu tư vào nhiều dự án du lịch trọng điểm.
Đồng thời, xây dựng Cổng thông tin du lịch thông minh và ứng dụng du lịch thông minh, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước thông qua các sự kiện, hội chợ, famtrip và hợp tác với các tỉnh, thành phố khác.
Với những nỗ lực không ngừng và chiến lược phát triển bài bản, Thái Nguyên đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho du lịch sinh thái và trải nghiệm nông nghiệp. Sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên, văn hóa và con người tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững.