Khám phá tục cắm lá cây trước cổng và sự trừng phạt

(PLO) - Đồng bào dân tộc Dao đỏ (Cao Bằng) tồn tại một phong tục kỳ lạ là cắm lá trước cổng nhà và đầu làng. Đây là một phong tục linh thiêng của người Dao đỏ mà những du khách có dịp qua đây nên tìm hiểu để tránh bị "sự trừng phạt".


Bản làng người Dao ở Nguyên Bình có thói quen sinh sống trên sườn núi, thung lũng đá, hiện vẫn lưu giữ tục cắm lá cây trước cổng.
Bản làng người Dao ở Nguyên Bình có thói quen sinh sống trên sườn núi, thung lũng đá, hiện vẫn lưu giữ tục cắm lá cây trước cổng.
Cài lá rừng trước cổng, đi vắng không cần khóa cửa
Những ngày đầu hè, chúng tôi có dịp đến huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng để tìm hiểu về cuộc sống, phong tục tập quán của người Dao đỏ sinh sống trên non cao, thung lũng đá tai mèo. Trong cuộc trò chuyện cùng người dân bản địa, chúng tôi đã khám phá ra nhiều điều kỳ lạ, thú vị ở chốn sơn cốc này. Một trong những câu chuyện đó là kiêng kỵ kẻ lạ mặt bước vào bản làng nếu trúng các ngày làm lễ cúng Thổ công, lập bàn thờ mới. 
Bởi người dân nơi đây quan niệm, sau khi thầy cúng làm phép để gia đình tránh việc xui xẻo, đuổi con ma ra khỏi nhà, nếu có kẻ lạ mặt bước vào làng mà không có sự cho phép, rất có thể kẻ đó có ý đồ xấu. Chính vì thế, người dân cắm lá cây lấy từ trong rừng để đề phòng và cảnh báo người từ nơi khác không được phép xâm phạm – một luật tục từ lâu đã trở thành quy ước của đồng bào người Dao.
Ông Lý Kìm Vạng (50 tuổi) ở làng Phùng, xã Thái Học cho hay: “Tục lệ này đã có từ lâu đời, cho đến nay vẫn tồn tại và trở thành một phần tín ngưỡng, tâm linh không thể nào thiếu của đồng bào dân tộc Dao đỏ chúng tôi. Một năm chỉ được phép làm Thổ công, lập bàn thờ mới vào một trong bốn ngày là mùng 3 Tết, 3/3, 6/6 và 2/8 âm lịch. Điều đặc biệt là phải làm lễ lập Thổ công vào ban đêm, như thế mới có linh nghiệm, tổ tiên mới tìm đường về được vì ngược lại cõi dương, đêm tối là ban ngày của cõi âm”.
Ông Lý Kìm Vạng ở làng Phùng đang kể về tục cắm lá cây giữ cửa của người Dao.
Ông Lý Kìm Vạng ở làng Phùng đang kể về tục cắm lá cây giữ cửa của người Dao.
Theo đó, ngay đêm thầy cúng làm lễ rước “thần lá” về gia đình, chủ nhà phải dậy thật sớm lên núi hái bất kỳ một cành lá nào gần nhất về cắm trước cổng để ngăn ma quỷ đến quấy rối; đồng thời cảnh báo người nơi khác không được bước chân vào làng, nếu có việc cần thiết thì phải có sự cho phép của chủ nhà đó mới được vào bản. 
Từ xưa đến nay, người Dao luôn coi cây cối là đại diện của thần rừng, nó rất gần gũi và có sức mạnh vô cùng to lớn có thể bảo vệ bản làng khỏi những người xấu, tránh được những “con ma”. Bởi vậy, khi đã cắm lá cây trước cửa, chủ nhà có thể đi mà không cần phải khóa cửa. Khi đó, bất kỳ ai đi ngang qua thấy cành cây đó cũng coi như thấy chủ nhà, không được xâm phạm cho dù là họ hàng thân thích.
Anh Lý Vườn Nhàn, Trưởng thôn làng Phùng cho biết thêm: “Trong các dịp lễ làm Thổ công, cúng bái thì nghi thức rước “thần lá” giúp gia đình giữ cửa không thể thiếu hai quả trứng gà ung để làm phép. Các cụ cao niên ngày xưa giải thích rằng, trứng ung là thứ không mang lại sự sống nên được coi là “khắc tinh” của ma quỷ. Vào đúng 12 giờ đêm, thầy cúng bắt đầu đặt hai quả trứng ung lên mâm và đọc nghi thức “rước” thần lá về nhà. Tuy nhiên, thời điểm này rất quan trọng và phải cẩn thận, không cho kẻ khác đến quấy phá, gia chủ cử nhiều người quan sát quanh 4 góc nhà đề phòng kẻ xấu giở trò”.
Các cụ cao niên ở xã Thái Học lý giải rằng, việc cắm lá rừng trước cổng nhà không chỉ để giữ cửa mà còn mang ý nghĩa thông báo cho dân làng biết gia đình đang có việc quan trọng như đau ốm, sinh đẻ, ma chay… Trong đó, những trường hợp như nhà nào có người bị đau ốm, vừa sinh con cho dù người lạ xin phép nhưng vẫn không được đồng ý. Nếu ai không biết điều vẫn cố ý xâm phạm sẽ bị chủ nhà đó trừng phạt nặng. Không chỉ vậy, có trường hợp khi trở về nhà còn lên cơn điên loạn hoặc bỗng dưng đau ốm không rõ nguyên do.
Khi nhà nào lập bàn thờ hoặc có người sinh đẻ, đau ốm, người Dao thường làm lễ và cắm lá cây trước cổng để cấm khách lạ lai vãng đến.
 Khi nhà nào lập bàn thờ hoặc có người sinh đẻ, đau ốm, người Dao thường làm lễ và cắm lá cây trước cổng để cấm khách lạ lai vãng đến.
Những cành lá rừng được hóa phép đem lại điều may mắn
Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc của tục lệ cắm lá cây giữ cửa của người Dao ở xã Thái Học, huyện Nguyên Bình và xã Công Trừng ở huyện Hòa An thì không ai biết tục “thần lá” có từ bao giờ, kể cả các cụ cao niên, già làng. Thậm chí họ cũng không dám khẳng định được tại sao thầy cúng lại dùng lá cây để giữ cửa mà không phải thứ khác, mà chỉ đưa ra sự lý giải mang tính suy đoán liên quan. 
Tuy nhiên, tục lệ vẫn tồn tại cho đến giờ và được thực hiện một cách nghiêm túc ở một số nơi, ngay cả những giáo viên vùng cao dạy học tại các điểm trường ở bản làng người Dao cũng không được phép lui tới nếu trúng vào ngày dân làng làm lễ.
Trong quan niệm của người Dao sinh sống trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, chiếc lá rừng không chỉ dùng để giữ nhà cửa mà còn được xem như một vật có thể xua đuổi ma quỷ và đem lại sự may mắn, bình yên cho bản làng. Vì thế, cành cây đó được đồng bào hết sức coi trọng, giữ gìn. Khi “thần lá” bị héo khô, chủ nhà lập tức đem về treo trên gian bếp cho đến khi nó tự mục nát, rơi rụng xuống chứ không được phép vứt bỏ. Ngoài ra, khi treo “thần lá” trên gian bếp còn có một ý nghĩa tâm linh là thể hiện sự hi vọng cuộc sống được ấm no, mùa màng bội thu và tình cảm gia đình luôn đoàn kết.
Tục rước “thần lá” còn được thực hiện vào mỗi dịp cả bản làng làm lễ liên hoan, ca múa hát, cúng bái của đồng bào người Dao. Khi đó, trưởng thôn sẽ đứng ra tổ chức, cúng bái và làm lễ rước “thần lá” về “chung vui” và cũng là để canh giữ cho cả dân làng. Già làng có trách nhiệm làm phép thay cho thầy cúng bằng việc đặt hai quả trứng ung lên mâm và đọc xì xầm vài câu thần chú trong miệng. 
Sáng hôm sau, khi lễ rước “thần lá” xong xuôi, thanh niên trong bản theo sự phân công của trưởng thôn sẽ lên rừng chặt những cây tre tốt về dựng thành một hàng rào để ngăn không cho người lạ đi qua cũng như người trong bản ra khỏi làng. Nếu không xin phép và được sự đồng ý của già làng và trưởng thôn mà phát hiện có kẻ cố tình xâm phạm thì kẻ đó sẽ “chịu tội” với cả làng và buộc phải góp rượu, thịt để “xóa tội” và tránh được sự quở phạt của thần linh.
Ông Đang Phúc Nần, Chủ tịch xã Thái Học cho rằng: “Theo nghĩa tích cực mà nói, nhờ có tục lệ này mà nhiều thế hệ từ xưa đến nay, cuộc sống của bà con trong vùng đều tốt đẹp, không hề mâu thuẫn hay xích mích với nhau. Bởi vậy, an ninh trật tự trên địa bàn xã cũng luôn ổn định, bình yên vì ai cũng sợ thần linh trách phạt. 
Tuy nhiên, hiện nay tục lệ này chỉ có một vài nơi vẫn lưu giữ, còn những nơi gần đô thị hầu như không còn giữ được nữa. Người Dao ở nơi đây bấy lâu nay đã có truyền thống quý trọng cây rừng, yêu thiên nhiên nơi hoang dã, sống dựa vào đất, rừng. Có lẽ đây là thông điệp mà các thế hệ cha ông dân tộc Dao nói riêng muốn gửi gắm thông qua tục lệ này để con cháu họ biết giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên”.

Đọc thêm