Tại một số nước trên thế giới, các đôi yêu nhau phải có giấy chứng nhận sức khỏe đảm bảo cho cuộc sống vợ chồng mới được phép đăng ký kết hôn. Nhưng ở Việt Nam, khám sức khỏe tiền hôn nhân mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích theo quy định của Pháp lệnh Dân số.
|
Hình minh họa |
Rào cản
Sáng đó, con trai chị Vân và cô người yêu đi chưa hết nửa buổi đã quay về với vẻ mặt không vui. Chị Vân hỏi thì được biết, ở bệnh viện không có phòng nào riêng biệt cho nhu cầu khám sức khỏe tiền hôn nhân nên hai đứa phải xếp hàng khám bệnh như người ốm, rất ngại.
Đã thế, cô người yêu khi biết ý định của mẹ chồng tương lai thì xịu mặt nghi ngờ “hay mẹ anh nghi em là phường ăn chơi đàng điếm mà phải bắt đi khám”. Thậm chí, cô còn dọa sẽ từ hôn với con trai chị Vân.
Xét về mặt lợi ích, yêu cầu của chị Vân đối với đôi trẻ là hoàn toàn cần thiết. Bởi vợ chồng khi được thăm khám sức khỏe trước ngưỡng cửa hôn nhân giúp “đo” được sức khỏe sinh sản, tìm hiểu tiền sử bệnh của hai vợ chồng, tìm hiểu các bệnh về rối loạn tâm thần, bệnh di truyền như hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư, rối loạn đông máu…
Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn để hai vợ chồng tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống sau này và có thể sinh được những đứa con khỏe mạnh. Quan trọng như vậy nên Pháp lệnh Dân số có quy định: “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho nam, nữ kiểm tra sức khỏe trước khi đăng ký kết hôn”. Dự án Mô hình tiền hôn nhân đã được Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố.
Nhưng hiện tượng phổ biến hiện nay là các cặp vợ chồng tương lai rất ngại đi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Bên cạnh suy nghĩ tiêu cực như: sợ nếu phát hiện bệnh sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi, hoặc nghi ngờ đạo đức của nhau mới phải đi khám, thì còn là những khó khăn trong cách thức thực hiện.
Thái Bình là một trong những tỉnh đầu tiên làm thí điểm về chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân. Nhưng việc vận động thanh niên trước khi kết hôn đi khám sức khỏe vẫn còn nhiều vấn đề nan giải như: tâm lý của các bạn trẻ sợ nhỡ khám ra bệnh người yêu bỏ; tiếc tiền vì chỉ có tư vấn được miễn phí, còn các xét nghiệm, siêu âm… phải chịu chi phí.
Tại Cao Bằng, Dự án Mô hình tiền hôn nhân khởi động từ năm 2010, nhưng năm 2011 chỉ có 6 cặp chuẩn bị kết hôn đi khám, năm 2012 không ai tham gia. Lý do, khi đến các cơ sở y tế thì không có phòng khám chuyên biệt, không có cán bộ y tế chuyên trách, bạn trẻ phải xếp hàng khám bệnh như người bị ốm nên e ngại.
Người dân ngại, luật cũng e
Tại một số nước trên thế giới, các đôi yêu nhau phải có giấy chứng nhận sức khỏe đảm bảo cho cuộc sống vợ chồng mới được phép đăng ký kết hôn. Tại Việt Nam, khám sức khỏe tiền hôn nhân mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích theo quy định của Pháp lệnh Dân số.
Trong tiến trình sửa đổi Luật HN-GĐ, đây là một trong những vấn đề được các nhà làm luật bàn bạc kỹ. Có hai hướng sửa luật: thứ nhất nên giữ nguyên quy định không đòi hỏi người kết hôn phải có giấy chứng nhận sức khỏe vì việc đòi hỏi giấy chứng nhận sức khỏe sẽ gây phiền hà, tốn kém cho người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa và không phù hợp với xu hướng cải cách thủ tục hành chính hiện nay.
Thứ hai phải có Giấy chứng nhận sức khỏe để đảm bảo mục đích của kết hôn là xây dựng gia đình hạnh phúc, sinh đẻ và nuôi dạy con cái thành những công dân khỏe mạnh về thể chất và sáng suốt về tinh thần.
Trong lần họp Ban soạn thảo lần thứ tư ngày 16/5/2013, Bộ Tư pháp đồng ý với ý kiến thứ nhất và không đưa vấn đề này vào trong dự thảo. Đây cũng là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến.
Theo ông, hiện nay mạng lưới y tế chưa đủ mạng để đảm đương thêm việc này, hơn nữa tình trạng tiêu cực trong khám sức khỏe vẫn diễn ra, chưa có giải pháp ngăn chặn.
Tuy nhiên, đại diện các Bộ ngành đều có quan điểm trước mắt nên quy định với hôn nhân có yếu tố nước ngoài, còn về lâu dài đối với hôn nhân trong nước nên tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện, để tiến tới việc luật hóa sau này.
Dương Nhi