Phân khúc nhà thấp tầng tại Hà Nội ghi nhận nhiều đột biến trong vài năm trở lại đây. Theo các đơn vị nghiên cứu, thị trường mức giá ở phân khúc nhà ở thấp tầng hiện được ghi nhận là cao kỷ lục từ trước đến nay khi mức giá trung bình lên tới 150 triệu đồng/m2. Theo dự báo mức giá này sẽ còn tiếp tục tăng trong bối cảnh khan hiếm quỹ đất trung tâm, nguồn cung mới không còn nhiều.
“Trong xã hội xuất hiện thêm nhiều người giàu, nhu cầu sở hữu sản phẩm nhà ở hiện đại, sang trọng ngày càng nhiều hơn. Các doanh nghiệp cũng tự tin hơn trong việc đầu tư vào những sản phẩm với giá thành cao. Thời gian tới nhu cầu về sản phẩm biệt thự, nhà liền kề, shophouse sẽ tiếp tục tăng cao”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết.
Khảo sát thực tế cho thấy, do sự khan hiếm nguồn cung đã đẩy giá nhà liền đất tại các đô thị lớn tăng mạnh. Cụ thể, trong quý 2/2020 giá sơ cấp trung bình của biệt thự là 4.764 USD/m2, tăng 19% theo quý. Giá trung bình liền kề đạt 4.458 USD/m2, tăng 9% theo quý. Đặc biệt, phân khúc shophouse vốn là phân khúc sôi động bậc nhất trên thị trường ghi nhận mức giá trung bình lên tới 7.306 USD/m2, tăng 18% theo quý.
|
Các sản phẩm shophouse tại Him Lam Vạn Phúc đã xây dựng gần như xong mới được tung ra thị trường |
Mặc dù, giá biệt thự, shophouse liên tục tăng đến gần 20% so với hồi đầu năm 2020 nhưng số lượng nguồn cung mới ra hàng thời điểm cuối năm 2020 đặc biệt khan hiếm. Theo thống kê, từ nay đến cuối năm, chỉ có hai doanh nghiệp lớn là Tập đoàn Vingroup và Him Lam Land dẫn đầu nguồn cung mới trong giai đoạn tới.
Cụ thể, đầu quý 4, Him Lam Land sẽ tung ra thị trường dự án Him Lam Vạn Phúc với quy mô 222 căn shophouse nằm trên mặt phố Tố Hữu, Vạn Phúc, Hà Đông. Được biết, các căn Shophouse Him Lam Vạn Phúc có diện tích từ 84,45 – 126,68 m2, xây dựng 6 tầng cùng các tiện ích như Trường quốc tế Nhật Bản, Nhà để xe tập trung, khu vui chơi trẻ em, khu thể thao ngoài trời… Đặc biệt, các sản phẩm tại dự án đã xây dựng gần như xong mới được tung ra thị trường.
Đối với Vingroup, tập đoàn này sẽ ra mắt dự án Vinhomes Wonder Park Đan Phượng vào cuối năm 2020 với các sản phẩm shophouse, liền kề, biệt thự. Hiện dự án này mới đang trong giai đoạn hoàn thiện giấy tờ và chưa được xây dựng.
Cùng với hai ông lớn này, rất có thể giai đoạn cuối năm khu vực Hoài Đức cũng sẽ có thêm một số nguồn cung mới từ giai đoạn 2 dự án Khu đô thị Spledora của Phú Long. Tuy nhiên, dự án này chủ yếu là phân phúc liền kề, biệt thự.
Ngoài nguồn cung mới, thị trường cũng sẽ đón nhận thêm một số sản phẩm từ các dự án cũ hiện hữu như The Manor Central Park (Thanh Trì) của Tập đoàn Bitexco, Khu đô thị Nam Cường (Hà Đông) của Tập đoàn Nam Cường. Xa hơn về phía Hoàng Mai là một số sản phẩm còn lại tại khu Gamuda Garden của chủ đầu tư Gamuda Land.
Trong tương lai 3-5 năm tới, thị trường sẽ đón nhận thêm một số dự án quy mô lớn được ra mắt trong thời gian tới như Sumitor Smart City Đông Anh, Xuân Mai Smart City Chương Mỹ hay Vinhomes Hoà Lạc.
Có thể nói, ngoài Him Lam Vạn Phúc là dự án mới hiếm hoi nằm tại các quận trung tâm thì nguồn cung mới giai đoạn 2020-2022 chủ yếu nằm ở khu vực các huyện vùng ven do quỹ đất nội đô ngày càng hạn chế và khan hiếm, khó có đủ diện tích để phát triển các dự án nhà ở thấp tầng.
“Với tình hình thị trường cũng như tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chóng như thời điểm hiện tại cùng dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư, thị trường nhà ở thấp tầng tại Hà Nội sẽ còn sôi động và phát triển bùng nổ hơn nữa trong thời gian sắp tới”, ông Đính cho biết.
Cùng quan điểm với ông Đính, các chuyên gia cũng cho rằng mặc dù đại dịch khiến nền kinh tế phát triển chậm lại và gia tăng sự thận trọng của người mua nhưng với sự khan hiếm nguồn cung cùng quỹ đất trung tâm phân khúc nhà liền đất tại các đô thị lớn sẽ phục hồi vào cuối năm 2020. Đặc biệt thị trường sẽ chứng kiến đợt tăng giá mới từ các dự án hiện hữu trên thị trường.