Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình trạng chậm, nợ văn bản giảm dần nhưng đến cuối năm 2020 có xu hướng tăng so với năm 2017. Một số văn bản nợ do chờ chủ trương của các cấp có thẩm quyền hoặc nội dung phức tạp, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng thêm, cân nhắc thời điểm ban hành phù hợp.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong năm 2021, nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ là rất nặng, với 72 văn bản, trong đó có 47 văn bản quy định chi tiết thi hành 12 luật, nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021. Ngoài ra, dự kiến các bộ còn phải xây dựng 32 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Một số luật giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng quy định chi tiết tương đối nhiều nội dung, ví dụ như Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) với 40 nội dung giao quy định chi tiết; Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 30 nội dung giao quy định chi tiết. Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với 67 nội dung giao quy định chi tiết…
Một số nội dung luật giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng quy định chi tiết là những vấn đề mới, khó, phức tạp; nội dung chính sách chưa rõ hoặc thiếu định hướng cụ thể về chính sách dẫn đến kéo dài thời gian soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.
Do đó, năm 2021, Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 43/CT-TTg về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Các bộ, ngành chủ động phối hợp chỉnh lý các dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, tập trung soạn thảo, trình các dự án luật thuộc chương trình xây dựng luật năm 2021.
Đồng thời, chỉ đạo sát sao việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền đối với các văn bản nợ ban hành.