Văn phòng Chính phủ mới ban hành Kế hoạch Xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị tại phiên họp ngày 16/5 về tình hình triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về phân cấp, phân quyền gắn với thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm kịp thời, liên thông hiệu lực, hiệu quả, Chính phủ xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm quán nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị về phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương không chỉ là mệnh lệnh cải cách mà còn là định hướng chiến lược nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đồng thời, thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đảm bảo đồng bộ, thống nhất theo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.
Trên cơ sở rà soát các luật chuyên ngành, pháp lệnh, nghị định, quyết định, thông tư trong phạm vi quản lý nhà nước, các Bộ, cơ quan ngang Bộ sẽ xây dựng nghị định phân cấp, phân quyền rõ ràng về chủ thể, nội dung, phạm vi, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm minh bạch, gắn với kiểm soát quyền lực, tạo điều kiện để địa phương chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Việc phân cấp, phân quyền phải đảm bảo các nguyên tắc: Quán triệt chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng 2 thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát; phân cấp, phân quyền triệt để cho chính quyền địa phương trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải bảo đảm phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025.
Phân cấp, phân quyền nhiệm vụ, quyền hạn từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cho chính quyền địa phương; từ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cho chính quyền địa phương phải phù hợp với nguyên tắc phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025. Theo đó, cần phân định rõ giữa thẩm quyền chung của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và thẩm quyền riêng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp xã phù hợp với chủ trương của Đảng và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức các cấp trong triển khai nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền.
Loại bỏ các quy định, thủ tục, quy trình địa phương phải báo cáo, xin ý kiến Chính phủ, cơ quan Chính phủ về các dự án, nhiệm vụ cụ thể đã được phân cấp, phân quyền. Ý kiến hướng dẫn về dự án, nhiệm vụ cụ thể của các Bộ chỉ là tài liệu tham khảo. Các địa phương căn cứ quy định pháp luật để chủ động thực hiện nhiệm vụ đã được phân công theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Đối với những vấn đề chưa có luật điều chỉnh, vướng về pháp luật..., địa phương tập hợp, báo cáo và đề xuất Chính phủ giải pháp tháo gỡ.
Rà soát, thực hiện phân định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương 02 cấp theo hướng chuyển nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong các luật chuyên ngành, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư về chính quyền địa phương cấp xã; một số nhiệm vụ chuyển lên chính quyền địa phương cấp tỉnh phù hợp với quyền hạn và năng lực của cấp tỉnh.
Về nội dung, nhiệm vụ: Rà soát tổng thể các luật chuyên ngành, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư theo ngành, lĩnh vực để đề xuất phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Lộ trình thực hiện: Hoàn thành rà soát và xây dựng dự thảo nghị định ngày 19/5/2025.
Ban hành văn bản hướng dẫn xử lý vướng mắc khi sắp xếp đơn vị hành chính hoàn thành ngày 23/5/2025; Lấy ý kiến địa phương, thẩm định của Bộ Tư pháp hoàn thành ngày 27/5/2025; Ban hành hướng dẫn về chuyển tiếp, phát sinh trong tổ chức thực hiện hoàn thành ngày 30/5/2025; Báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện (kèm các dự thảo nghị định) hoàn thành ngày 30/5/2025.
Về phân công tổ chức thực hiện: Tại Kế hoạch, Thủ tướng phân công các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành phụ trách lĩnh vực bảo đảm việc rà soát và xây dựng các Nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền cho chính quyền địa phương 2 cấp đúng chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và yêu cầu nhiệm vụ cho việc tổ chức hoạt động kịp thời, bảo đảm chính quyền địa phương 2 cấp hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực về: Kết quả rà soát và nội dung đề xuất phân cấp, phân quyền tối đa cho chính quyền địa phương khi tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Hoàn thiện dự thảo các Nghị định gửi Bộ Tư pháp thẩm định (trước ngày 25/5/2025); lấy ý kiến Thành viên Chính phủ, đồng thời gửi các dự thảo Nghị định đến 63 tỉnh, thành phố để các địa phương tham gia đóng góp, đồng thời nghiên cứu, chủ động xây dựng phương án thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Hoàn thành ngày 25/5/2025. Chuẩn bị đẩy đủ các tài liệu, số liệu liên quan đến nội dung rà soát, đề xuất phân cấp, phân quyển, phân định thẩm quyền thuộc ngành, lĩnh vực quản lý (có dự thảo các nghị định và phụ lục kèm theo), báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc theo kế hoạch.
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ thành lập các Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo của Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Bộ, ngành. Tập trung đôn đốc, tổng hợp, tham mưu báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị về kết quả và tình hình phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng các nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền; theo dõi, đôn đốc và tổ chức thẩm định bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và phù hợp nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền tại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.