Khẳng định vai trò, trách nhiệm của Việt Nam với các vấn đề quốc tế

(PLVN) - Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng (BQP) Việt Nam tham dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10 nhằm tiếp tục khẳng định vai trò tích cực, trách nhiệm của Việt Nam với các vấn đề quốc tế và khu vực; đồng thời duy trì tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo BQP hai nước, góp phần tăng cường quan hệ quốc phòng, đóng góp cho quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại phiên toàn thể thứ 2 của Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10. (Nguồn ảnh: qdnd.vn)
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại phiên toàn thể thứ 2 của Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10. (Nguồn ảnh: qdnd.vn)

Theo lời mời của Quân ủy Trung ương, BQP Trung Quốc, từ 27 - 31/10, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng BQP dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao BQP Việt Nam tới Bắc Kinh, thăm chính thức Trung Quốc và dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10 (Diễn đàn).

An ninh chung, duy trì hòa bình lâu dài

Sáng qua (30/10), tại Bắc Kinh, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10 đã khai mạc trọng thể với chủ đề “An ninh chung, duy trì hòa bình lâu dài”. Diễn đàn có sự tham gia của hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế, hơn 1.800 người tham dự, trong đó hơn 700 đại biểu và quan sát viên, gồm lãnh đạo BQP, Quân đội và chuyên gia học giả các nước. Theo truyền thông Trung Quốc, sự kiện năm nay thu hút 22 bộ trưởng quốc phòng và 14 chỉ huy quân đội các nước.

Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn, Thượng tướng Trương Hựu Hiệp, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc cho rằng, cộng đồng quốc tế luôn phải nỗ lực hết mình để đạt được hòa bình và an ninh bền vững khi thế giới vẫn còn không ít “điểm nóng” xung đột cũng như phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Vào năm 2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố Sáng kiến an ninh toàn cầu. Ông Hiệp nhấn mạnh, Diễn đàn có chủ đề “An ninh chung, duy trì hòa bình lâu dài” thể hiện quyết tâm của Trung Quốc mong muốn cùng hợp tác với tất cả các nước để hiện thực hóa Sáng kiến này, nhằm bảo đảm an ninh cho mọi quốc gia trong bối cảnh tình hình thế giới đang biến chuyển nhanh chóng và khó lường như hiện nay.

Diễn đàn trên cùng các diễn đàn, đối thoại khác như Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow tại Nga, Đối thoại Shangri-La tại Singapore, đã và đang ngày càng khẳng định là diễn đàn an ninh quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Việc tham dự các diễn đàn này là cơ hội để Việt Nam cùng các nước tăng cường hợp tác, đối thoại, tạo dựng lòng tin chiến lược để bảo đảm an ninh khu vực và trên thế giới, vun đắp môi trường hòa bình để phát triển bền vững.

Đại tướng Phan Văn Giang: “Chung tay xử lý hiệu quả các vấn đề”

Trưa hôm qua (30/10), Bộ trưởng Phan Văn Giang đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể thứ 2 của Diễn đàn với chủ đề “Vai trò của các nước đang phát triển trong an ninh toàn cầu”.

Trong bài phát biểu, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh hòa bình, ổn định và an ninh của các nước đang phát triển là điều kiện rất quan trọng, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, an ninh chung của thế giới. Trong lĩnh vực quốc phòng, Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ; nhất quán thực hiện chủ trương không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Việt Nam tích cực tham gia hợp tác đa phương, song phương với các đối tác; ưu tiên giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình và hóa giải các thách thức an ninh từ sớm, từ xa. Thông qua Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh và nhiều diễn đàn đa phương về quân sự, quốc phòng, an ninh khác; cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc…, Việt Nam đã khẳng định vai trò tích cực, chủ động, trách nhiệm cao đối với các vấn đề quốc tế và khu vực. Quan hệ hợp tác quốc phòng song phương của Việt Nam với các nước được thực hiện công khai, minh bạch và không làm phương hại đến lợi ích của các nước khác.

Việt Nam mong muốn, mọi quốc gia tăng cường đoàn kết, thấu hiểu lợi ích của nhau, tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực trong quan hệ quốc tế, cùng nhau thực hiện khát vọng xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác, phát triển, phồn vinh, thịnh vượng, với các trọng tâm sau:

Thứ nhất, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia của nhau. Cùng nhau chia sẻ và hiện thực hóa tầm nhìn về các vấn đề quản trị toàn cầu, xây dựng hệ thống quốc tế dựa trên nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.

Thứ hai, các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển cần đề cao “tự chủ chiến lược”, tự lực, tự cường, chủ động khơi thông, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo đảm an ninh, hòa bình, phát triển cho quốc gia mình và tham gia có trách nhiệm trong các cơ chế hợp tác khu vực và thế giới; thúc đẩy thiết lập cấu trúc an ninh toàn diện, đa phương, cởi mở, minh bạch, bình đẳng, hợp tác, phát triển.

Thứ ba, tôn trọng sự đa dạng, tính đặc thù, điều kiện riêng của từng quốc gia nhưng luôn hướng tới sự thống nhất, đồng thuận về nhận thức, trách nhiệm, hành động trước các vấn đề an ninh toàn cầu. Kiên trì thúc đẩy hợp tác đa phương; củng cố vững chắc, thực chất hơn nữa các thể chế đa phương cũng như cơ chế hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống của khu vực và thế giới.

Thứ tư, cùng hợp tác, xây dựng lòng tin chiến lược, với tầm nhìn tổng thể về giá trị và lợi ích trong xử lý, ứng phó với các thách thức an ninh khu vực và toàn cầu. Đề cao và phát huy tinh thần đặt lợi ích của mỗi quốc gia trong tổng thể lợi ích khu vực và toàn cầu, nhằm bảo đảm sự hài hòa, đoàn kết, hướng tới an ninh toàn cầu bền vững.

Thứ năm, mỗi quốc gia cần thực hiện đúng các cam kết đã đưa ra, đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, khắc phục sự khác biệt, mâu thuẫn, thúc đẩy hợp tác, đạt được nhận thức chung, cùng chung tay xử lý hiệu quả các vấn đề khu vực và an ninh toàn cầu.

Hội đàm giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc.

Hội đàm giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc.

Hợp tác quốc phòng Trung Quốc - Việt Nam là trụ cột quan trọng

Ngày 28/10, tại trụ sở BQP Trung Quốc ở Bắc Kinh, Thượng tướng Hà Vệ Đông, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã chủ trì lễ đón Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng BQP Việt Nam và Đoàn đại biểu cấp cao BQP Việt Nam sang thăm chính thức Trung Quốc.

Đánh giá cao chính sách quốc phòng “4 không” của Việt Nam, ông Đông nhấn mạnh, hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc và Việt Nam là một trong những trụ cột quan trọng, góp phần nâng cao quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở mỗi nước cũng như của khu vực và thế giới.

Sau lễ đón trang trọng, Thượng tướng Hà Vệ Đông và Đại tướng Phan Văn Giang đã tiến hành hội đàm. Hai bên thống nhất đánh giá, năm 2023 chứng kiến nhiều hoạt động hợp tác sôi động giữa quân đội hai nước. Trao đổi đoàn giữa hai Quân đội được nối lại với tần suất cao; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực được hai bên quan tâm, triển khai hiệu quả; lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển hai nước duy trì tốt các cơ chế hợp tác song phương; hợp tác quản lý biên giới đất liền được các lực lượng chức năng hai bên quán triệt, thực hiện nghiêm túc.

Hai bên nhất trí cho rằng, tiềm năng hợp tác quốc phòng giữa hai nước còn nhiều dư địa phát triển. Trong thời gian tới, hai bên cần duy trì thường xuyên trao đổi đoàn, gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo Quân ủy Trung ương, BQP hai nước; tiếp tục tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; đẩy mạnh trao đổi, chia sẻ về phương thức, kinh nghiệm tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội; đồng thời, nghiên cứu mở rộng lĩnh vực hợp tác như: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu chiến lược, quân y, y học cổ truyền.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên cho rằng, cần trao đổi một cách chân thành, thẳng thắn, kiểm soát tốt bất đồng, cùng nhau tìm ra biện pháp xử lý một cách thỏa đáng, phù hợp với nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả, thực chất phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đọc thêm