Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, Đền thờ sẽ là nơi tưởng nhớ, tri ân công đức của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
“Để công trình phát huy hiệu quả tốt nhất, tôi đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các ngành, địa phương liên quan có kế hoạch, đề án quản lý, khai thác và phát huy công trình một cách tốt nhất, gắn kết với các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Phù Cát nói riêng. Qua đó, hình thành điểm đến về giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ và có ý nghĩa đối với du khách gần xa đến hành hương, thăm viếng”, ông Dũng nói.
Công trình Đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được khởi công xây dựng từ ngày 9/5/2020, trên khu đất rộng 1,2ha, tại Dốc Sáo (thôn Vĩnh Hội) theo lối kiến trúc cổ, gồm các hạng mục: cổng tam quan, nhà quản lý, nhà soạn lễ, bức bình phong, nhà vọng cảnh, nhà bia, sân hành lễ, đền thờ… kết nối hài hòa tạo nên một quy mô trang trọng cho khu Đền thờ. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
“Công trình càng được nâng cao giá trị khi có thế “tọa sơn ngọa thủy”, phía sau và bên hông được bao bọc bởi dãy núi với những khối đá lớn, trước mặt là bãi biển đẹp”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định Tạ Xuân Chánh cho biết.
|
Đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại thôn Vĩnh Hội (xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). |
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868) tên thật là Nguyễn Văn Lịch, khi tham gia nghĩa quân thường được gọi là Quản Chơn, Quản Lịch. Ông sinh năm Mậu Tuất (1838), tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An); nguyên quán ở xóm Lưới, làng Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).
Nguyễn Trung Trực nổi tiếng giỏi võ từ nhỏ, cương trực, nghĩa hiệp, giàu lòng yêu nước, thương dân. Ông là thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở Nam bộ, đã trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh oanh liệt. Trong đó, có 2 chiến công vang dội: đốt cháy, làm chìm tàu L'Espérance (tàu “Hy vọng”) trên vàm Nhựt Tảo năm 1861 và tiêu diệt đồn lũy đầu não của giặc Pháp ngay tại tỉnh lỵ Rạch Giá năm 1868.
Khi bắt được ông, giặc Pháp tìm mọi cách thuyết phục, dụ dỗ, chiêu hàng nhưng không thành công. Cuối cùng chúng đã tra trấn dã man và xử chém ông vào ngày 27/10/1868 (nhằm ngày 12/9 năm Mậu Thìn).
Ý chí đấu tranh anh dũng và sự hy sinh bất khuất của ông là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc với câu nói bất hủ: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.