Khảo sát thực trạng nhân lực chất lượng cao người DTTS tại Nghệ An

(PLVN) - Với hơn 491 nghìn người thuộc 47 dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 14,7% dân số toàn tỉnh và trên 40% dân số trên địa bàn miền núi, Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực trong đào tạo, sử dụng nhân lực chất lượng cao người DTTS nhưng cũng gặp nhiều khó khăn khi triển khai các cơ chế, chính sách liên quan.
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học phát biểu tại buổi làm việc.

Ngày 7/8, tại trụ sở Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do PGS.TS Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc về khảo sát thực trạng, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao người DTTS tại tỉnh Nghệ An. Tham dự buổi làm việc có đại diện nhiều Sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.

Chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Nghệ An, tỉnh nằm ở khu vực Bắc Tung Bộ, có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, trong đó diện tích vùng DTTS và miền núi chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số cả tỉnh hiện có trên 3,3 triệu người, trong đó vùng DTTS và miền núi trên 1,2 triệu người (36% dân số toàn tỉnh). Nghệ An có 47 DTTS với hơn 491 nghìn người, chiếm 14,7% dân số toàn tỉnh và trên 40% dân số trên địa bàn miền núi.

Trong những năm qua, tỉnh đã và đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách, đề án của trung ương và địa phương gắn với đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người DTTS. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người DTTS được nâng cao về chất lượng, gia tăng về số lượng, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển KT-XH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội vùng DTTS.

Hiện tỷ lệ lao động người DTTS trong độ tuổi lao động qua đào tạo nghề tại tỉnh trên 32%; giải quyết việc làm cho gần 28 nghìn người DTTS, chiếm 14,5% tổng số được giải quyết việc làm toàn tỉnh. Tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức là người DTTS hiện nay cơ bản đảm bảo theo quy định tại Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Bài toán gỡ vướng chính sách

Tuy nhiên, Nghệ An cũng gặp nhiều khó khăn trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao người DTTS: Tỉnh có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, các cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Năng lực của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng DTTS và miền núi còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp ở vùng này còn ít, quy mô nhỏ, nhu cầu sử dụng lao động không nhiều và chủ yếu sử dụng lao động chưa qua đào tạo...

Đại biểu đoàn khảo sát thảo luận tại buổi làm việc.

Đặc biệt, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về những vướng mắc trong triển khai các chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này: Quy định về tuyển dụng tại các huyện miền núi cao trước đây được thực hiện bằng hình thức xét tuyển, tuy nhiên thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25/11/2019, Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức quy định chỉ thực hiện việc xét tuyển công chức vào công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nhưng hiện nay, quy định “vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn” chỉ quy định đến đơn vị hành chính cấp xã/thôn, xóm, bản (không có quy định đối với cấp huyện).

Do đó, Nghệ An không áp dụng được quy định xét tuyển nêu trên để xét tuyển công chức về công tác tại các cơ quan nhà nước tại các huyện miền núi cao, do các trụ sở này đều đóng ở địa bàn thị trấn không thuộc vùng “đặc biệt khó khăn”.

Một số chính sách về tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chưa thống nhất. Việc triển khai Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vẫn còn bất cập nhất định, bởi Nghị định đang chú ý đến điều kiện, chưa bao quát hết đối tượng...

Các đại biểu cũng nêu một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao người DTTS như: Cần giải quyết vướng mắc về một số quy định hiện nay; Ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển giáo dục, y tế, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc vùng DTTS và miền núi; Có thêm chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên, nhân viên trường có học sinh dân tộc bán trú...

Kết thúc buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng ghi nhận các ý kiến chia sẻ cũng như đề xuất của đại biểu các Sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An, đặc biệt là bài toán gỡ vướng thực tiễn chính sách đang triển khai. Ông Dũng cũng đánh giá cao nhiều mô hình hay trong đào tạo nhân lực người DTTS tại Nghệ An và hi vọng nghiên cứu nhân rộng các mô hình này.

UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 773/KH-UBND ngày 8/11/2022 truyền thông chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH cùng DTTS và miền núi Nghệ An giai đoạn 2021-2015.

Giai đoạn 2021 – 2023: Tổ chức 29 lớp tập huấn, phổ biến cung cấp thông tin đến hơn 1600 lượt người có uy tín tham gia; 45 lớp về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; 17 lớp “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2021”; 20 lớp “Hỗ trợ bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2018 – 2025” và nhiều lớp tập huấn, nâng cao năng lực cộng đồng cho các trưởng thôn, bản, người có uy tín...

Hiện nay, Nghệ An tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc bằng nhiều thức khác như hội thi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên internet....

Đọc thêm