Ảo tưởng về “miền đất hứa”, quan niệm “giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”, trong bối cảnh đô thị hóa mạnh, nhiều lao động nữ tại nông thôn đã lên thành phố tìm việc làm. Tại môi trường mới ở các thành thị, họ thường gặp những rào cản về trình độ, tay nghề, sự hiểu biết. Đằng sau những cuộc mưu sinh là những rủi ro, thiệt thòi, cạm bẫy mà những cô gái thôn quê dễ sa vào.
Di cư nông thôn ra thành phố, tới các khu công nghiệp được coi là dạng phát triển nhanh nhất của di cư trong nước. May mặc và da giầy là những ngành năng động nhất trong nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Trên 80% công nhân làm việc trong các ngành này là nữ. Hiện nay có khoảng 1.100 xí nghiệp dệt may đang hoạt động và sử dụng hơn 2 triệu lao động.
Tuy vậy, lao động di cư từ nông thôn chất lượng lao động rất thấp. Hầu hết các cô gái chưa qua đào tạo nghề. Khi tuyển vào các doanh nghiệp, số lao động di cư phải được đào tạo nhưng chỉ được đào tạo nghề ngắn hạn, theo hình thức kèm cặp nên không có chứng chỉ nghề và thời gian đầu phần lớn chỉ được ký hợp đồng lao động ngắn hạn với mức tiền lương thấp, không đủ chi phí trang trải cuộc sống và tích lũy gửi về gia đình.
Số lao động di cư khác tìm việc làm tự do chỉ có khả năng tham gia thị trường lao động bậc thấp, việc làm không ổn định, thu nhập cũng thấp và có nhiều rủi ro. Tình trạng vi phạm quy định làm thêm giờ thường xảy ra ở các xí nghiệp lớn của nước ngoài. Điều kiện làm việc kém trong một số xí nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, xưởng sản xuất thiếu tiện nghi, ít được nghỉ giải lao; và đồ ăn nhẹ, nhà vệ sinh sạch sẽ cũng như chỗ nghỉ cho công nhân còn rất hạn chế.
Chị Nguyễn Hà Thu (công nhân dệt may ở Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long) buồn rầu: “Làm quần quật tăng ca nhưng lương chúng tôi chỉ 1,1 triệu đồng/tháng. Trong điều kiện nhà ở, sinh hoạt không thuận tiện thì không thể đủ trang trải chi phí cá nhân chứ đừng nói chuyện tích lũy. Ước mong có chút vốn liếng để lập gia đình thật quá tầm tay!”.
Những cô gái nông thôn di cư ra thành thị mưu sinh với những nghề phổ thông: Buôn bán nhỏ, giúp việc, nhân viên gội đầu, rửa bát thuê, phụ bàn... còn vất vả hơn nhiều. Mất việc làm, công việc lúc có, lúc không là nỗi lo thường trực của họ. Những cô gái này chỉ mong có việc làm, đều để bảo đảm cuộc sống bình thường.
Cám dỗ không ít
Với mức thu nhập thấp, không ổn định, họ là đối tượng dễ bị tổn thương trước những biến động trong cuộc sống. Nhiều lao động ngoại tỉnh phải đương đầu với những khó khăn về nhà ở, đăng ký kinh doanh, sở hữu phương tiện đi lại...
Cuộc điều tra “Tình hình lao động di cư trong nước” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy: Có hơn 45% người di cư được hỏi nói rằng họ gặp phải nhiều khó khăn như thiếu nước, điện, việc làm và không có nơi ở thích hợp được coi là vấn đề chính. Hầu hết họ chỉ đăng ký tạm trú, không có hộ khẩu, kéo theo đó là các khó khăn về nhà ở, học tập, chữa bệnh và các phúc lợi xã hội khác. Đa số sống tạm bợ, chật chội, các tiện nghi phụ trợ rất kém; đời sống vật chất, tinh thần rất thiếu thốn; vệ sinh môi trường và an ninh trật tự không được đảm bảo.
Bà Nguyễn Thanh Hòa - Chủ tịch TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: “Muốn hỗ trợ hiệu quả những khó khăn cho lao động nữ di cư ra thành phố kiếm sống, các cơ quan chức năng cần đơn giản hoá hệ thống quản lý cư trú và đảm bảo linh hoạt cho việc di chuyển, cập nhật hơn thông tin quản lý dân số. Xây dựng hệ thống phòng ngừa lạm dụng và bảo vệ phụ nữ và trẻ em với hệ thống giám sát các cơ sở tuyển dụng phụ nữ và trẻ em, xây dựng chính sách căn cứ vào thực tế bao gồm cả các đối tượng nhập cư, tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế các vùng nghèo, khó khăn hiện nay”. |
Để hỗ trợ những khó khăn cho lao động nữ di cư ra thành phố kiếm sống, TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Cty P&G đã thành lập Quỹ “Cô Tấm ngày nay”.
Đối tượng trợ giúp chính là những chị em nữ như lao động phổ thông hoặc sinh viên, tuổi 18-29, lần đầu lên thành thị, có hoàn cảnh thực sự khó khăn. Quỹ giúp chị em học một nghề ổn định, từ đó có thể độc lập kiếm sống, tránh xa những cám dỗ. Thời gian đầu, Quỹ dành khoản kinh phí 500 triệu đồng để triển khai các hoạt động như hỗ trợ đào tạo miễn phí cho chị em các nghề ngắn hạn như may dân dụng, nấu ăn, làm đầu...
Đồng thời, quỹ sẽ dành 100 suất (1 triệu đồng/suất) giúp những đối tượng trên có nhu cầu mua sắm các giáo trình, trang thiết bị phục vụ việc học hoặc tham gia các khoá đào tạo nghề riêng rẽ. Hệ thống các hội phụ nữ cơ sở, đường dây điện thoại nóng: 404 6235 - 404 6236 - 404 6237, hoặc qua các chương trình trên sóng của Đài Tiếng nói VN như: Cô Tấm ngày nay, Tin tức, Lối nhỏ vào đời, Chuyện bây giờ mới kể..., nhằm giới thiệu và tìm kiếm những đối tượng cần giúp đỡ.
Chương trình được triển khai bước đầu tại 4 thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Thùy Dương