[links()] Đó là ý kiến của TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế TW. Theo ông, trong điều kiện nhiễu nhương ai ai cũng ở trong thế thủ làm cho dòng chu chuyển nguồn vốn, nguồn tiền chậm lại rất nhiều và cảm giác chung là lúc nào cũng thiếu tiền…
TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương. |
Theo TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, sau khi gia nhập WTO, doanh nghiệp (DN) VN hiểu mình, hiểu người, hiểu thế giới hơn và đã có cách nhìn, cách phát triển dài hạn hơn. Tuy nhiên, cũng còn nhiều DN chưa biết cách thích nghi với các cú sốc thị trường, sốc giá cả, sốc chính sách.
Để mô tả về hình ảnh DN VN trong thời gian khó khăn hiện nay , ông sẽ dùng những từ nào?
Có thể nói về DN Việt Nam ở ba từ: rụt rè, sợ hãi và vươn lên. Đặc biệt, phần vươn lên đã hình thành một xu hướng rất rõ nét, nhưng cũng vừa vươn lên vừa loay hoay tìm kiếm, chính vì thế mà tỷ lệ vươn lên được thật sự còn chưa cao lắm.
Điều nhiều người đặt ra hiện nay là sự vướng mắc về vốn đã làm hạn chế sự vươn lên của DN. Kể cả trên bình diện quốc tế, điều có thể thấy là tồn tại một nghịch lý, tiền thì rất nhiều nhưng vốn lại rất thiếu.
Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Lý do thứ nhất, quả bong bóng tài chính toàn cầu đang nổ lỗ chỗ, khi đã có những lỗ thủng thì phải đi vá, và miếng vá đầu tiên lại không phải là đầu tư, mà nó là thanh khoản.
Lý do thứ hai, đang có những nhịp rất nhanh, vốn và tín dụng đổ ra rất nhiều, cụ thể như ở Việt Nam trong nhiều năm qua do chính sách kinh tế vĩ mô bất ổn, lạm phát cao mà chúng ta phải thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa. Tốc độ đẩy ra của tài chính, tiền tệ đang cao, nhưng đã bị thắt chặt lại. Rõ ràng, cả cảm nhận và thực tế là dòng tiền ít đi.
Lý do thứ ba, trong điều kiện nhiễu nhương ai ai cũng ở trong thế thủ. Như người dân thì đi tìm tài sản nào đó để trú ẩn, để bảo vệ dòng vốn của mình. Còn DN khi có những có khăn như vậy về vốn, người ta cũng phải sử dụng thế thủ, giữ lại nguồn tiền của mình, để bảo vệ chính mình.
Chính ba nhân tố ấy đã làm cho dòng chu chuyển nguồn vốn, nguồn tiền chậm lại rất nhiều và cảm giác chung là lúc nào cũng thiếu tiền.
Vậy theo ông đâu là giải pháp để gỡ nút thắt?
Tôi cho rằng, điều này không chỉ phụ thuộc vào Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở khá cao, mà trước hết là việc xử lý hệ thống tài chính, hệ thống giám sát vốn chung chuyển trên thế giới. Hiện nay còn rất nhiều điều gây tranh cãi và chưa đi đến một chuẩn mực nào được thừa nhận và thực thi đầy đủ.
Hơn nữa, rõ ràng là phải ổn định lại lòng tin với thị trường, khả năng sản xuất kinh doanh thuận lợi phải quay trở lại. Một trong những điều kiện ấy là cải cách thể chế, tạo dựng môi trường, bình đẳng, cạnh tranh minh bạch… ổn định kinh tế vĩ mô là rất quan trọng. Mọi thứ đều cần thời gian. Chính vì vậy, bản thân DN phải biết sống với những cú sốc, biết hạn chế rủi ro.
Khi đi tìm nguồn vốn, doanh nghiệp cũng phải trả lời được 3 câu hỏi: Tiền nằm ở đâu? Hiện nay từ chính sách, thực tiễn, cái gì, lĩnh vực nào đang thúc đẩy tăng trưởng, đang có cơ phát triển? Biết vốn ở đâu đó rồi thì DN phải “làm hàng”, dự án phải tốt, sổ sách phải sạch sẽ và phải biết đàm phán mặc cả!
Xin cảm ơn ông!
Minh Hằng (Thực hiện)