Khi Giải 'Âm nhạc Cống hiến' vươn lên thành Giải 'Grammy' Việt

(PLO) - Không phải ngẫu nhiên Giải “Âm nhạc Cống hiến” đang tạo đà khẳng định thương hiệu… Giải “Grammy” Việt Nam.
Nhà báo Lê Xuân Thành- Trưởng ban tổ chức tặng hoa cho các nghệ sĩ được đề cử.
Nhà báo Lê Xuân Thành- Trưởng ban tổ chức tặng hoa cho các nghệ sĩ được đề cử.

Điểm qua danh sách đề cử của các hạng mục, có thể thấy đó là sự đánh giá và ghi nhận những nỗ lực đóng góp của nghệ sĩ đối với đời sống âm nhạc đại chúng trong một năm qua. Các nghệ sĩ đã không ngừng sáng tạo ở các loại nhạc pop, jazz, rock, world music, rap... cho đến những chương trình nhạc cổ điển hướng đến đại chúng khiến âm nhạc Việt thêm sôi động, tươi mới, góp phần nâng tầm đẳng cấp âm nhạc Việt.

Dàn sao “khủng” tại lễ trao giải

Lễ trao giải “Âm nhạc Cống hiến 2017” sẽ được tổ chức vào 20 giờ ngày 22/3/2018 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), truyền hình trực tiếp trên kênh VTV6. Chương trình biểu diễn năm nay với sự tham gia của các các dàn sao “khủng”: NSƯT Thanh Lam, NSƯT Đăng Dương, các ca sĩ: Mỹ Tâm, Khánh Linh, Dương Hoàng Yến, Erik, Ali Hoàng Dương, Ban nhạc Background, Dàn dây V-String, Dàn kèn Bigband YelowStar và Nhóm bè Harmonie.

Đặc biệt, lần đầu tiên một nhóm kịch đương đại (nhóm Nguyễn Phi Phi Anh) sẽ biểu diễn tiểu phẩm nhạc kịch “Ngôi sao hạnh phúc.” Chương trình biểu diễn sẽ do Hoàng Trọng Thanh đảm nhận vai trò tổng đạo diễn, nhạc sĩ Dương Cầm là Giám đốc âm nhạc.  Lần đầu tiên nhà báo Lại Văn Sâm và Hoa khôi Lan Khuê sẽ dẫn chương trình đêm trao giải. Ngoài ra, lễ trao giải còn có sự góp mặt của một cầu thủ U23 góp thêm sự độc đáo cho chương trình.

Nhà báo Lê Xuân Thành- Tổng Biên tập Báo Thể thao & Văn hóa đồng thời là Trưởng BTC cho hay, ngoài việc đầu tư cho chương trình trao giải, giải “Âm nhạc Cống hiến 2017” còn có “Sự kiện Thảm đỏ” trước giờ trao giải (từ 18 giờ) với sự tham gia của đông đảo giới nhạc cùng các nghệ sĩ diễn viên, người đẹp… thể hiện sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ đối với giải thưởng cũng như thể hiện đẳng cấp, tính chuyên nghiệp của giải thưởng. 

Không phải ngẫu nhiên, Giải “Âm nhạc cống hiến đang tạo đà khẳng định thương hiệu… Giải “Grammy” Việt. Giải “Âm nhạc Cống hiến” với sự bầu chọn của hàng trăm nhà báo theo mảng văn hóa - giải trí hai miền Bắc - Nam là một trong những bước thể hiện sự công khai, minh bạch - những yếu tố góp phần làm nên uy tín của giải trong nhiều năm qua. Các phóng viên bầu chọn và niêm phong trước khi gửi cho Ban tổ chức. Kết quả sẽ được giữ bí mật cho đến giờ trao giải. 

Điểm qua danh sách đề cử của các hạng mục, có thể thấy đó là sự đánh giá và ghi nhận những nỗ lực đóng góp của nghệ sĩ đối với đời sống âm nhạc đại chúng trong một năm qua. Các nghệ sĩ đã không ngừng sáng tạo ở các loại nhạc pop, jazz, rock, world music, rap... cho đến những chương trình nhạc cổ điển hướng đến đại chúng khiến âm nhạc Việt thêm sôi động, tươi mới, góp phần nâng tầm đẳng cấp âm nhạc Việt. Mỗi một nghệ sĩ, mỗi ekip lại có ý thưởng sáng tạo riêng khiến giải “Âm nhạc Cống hiến 2017” tạo nên bất ngờ khi xướng tên giải thưởng trong đêm trao giải ngày 22/3 tới. 

Tại sao “Âm nhạc cống hiến” không trao cho Bolero?

Trước câu hỏi của báo giới, tại sao những chương trình nhạc trữ tình, bolero ấn tượng của các ca sĩ Khánh Ly, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên không có trong danh sách đề cử giải “Âm nhạc Cống hiến 2017”, thay mặt Ban tổ chức, nhà báo Hữu Trịnh cho hay: “Giải Âm nhạc cống hiến muốn ưu tiên những ca khúc mới vì chúng tôi quan niệm muốn phát triển thì phải có những ca khúc mới. Do đó, nhạc trữ tình, nhạc bolero không được đưa vào đề cử vì không phù hợp tiêu chí”.

Trước câu hỏi của báo giới liệu có phải lý do hát live kém nên MV “Có nên dừng lại” của Chi Pu bị loại khỏi danh sách đề cử cho “MV của năm” mặc dù nó cũng cán đích top MV nhiều lượng xem nhất năm qua? Nhà báo Hữu Trịnh khẳng định: “Việc xét MV, single chúng tôi khá độc lập và không bị bất kỳ yếu tố tác động nào khác. Một MV hoặc single thu trong phòng thu, nên sản phẩm đó của phòng thu không phải việc hát live ở đây. Tôi chỉ nhấn mạnh rằng chúng tôi có quá trình để làm việc lựa chọn ra 10 MV để đưa vào bảng dự kiến của mình để các nhà báo lựa chọn ra 5 MV xứng đáng nhất”.

Còn nhớ Giải “Âm nhạc Cống hiến” năm trước, một số cái tên “hot” trong nhạc trẻ là Sơn Tùng M-TP và Hari Won đã bị gạt ra khỏi danh sách đề cử dù cả hai ca sĩ này đều có những sản phẩm tạo “hit”, có lượt người xem lớn trên Youtube và mạng xã hội. Sơn Tùng có “Chúng ta không thuộc về nhau” còn Hari Won có “Anh cứ đi đi”. Tuy hai ca khúc có số lượng người xem lớn nhưng theo BTC giải thưởng Cống hiến đây là hai sản phẩm không có sự mới mẻ về nghệ thuật. Chưa kể, “Chúng ta không thuộc về nhau” của Sơn Tùng M-TP “dính” nghi án đạo nhạc khi mà bản phối và phong cách của anh này na ná “sao” Hàn Quốc.

14 năm qua (từ 2004), giải thưởng Âm nhạc Cống hiến, một “thương hiệu” của Báo Thể thao & Văn hóa đã đồng hành cùng đời sống âm nhạc một chặng đường nhiều biến động. “Âm nhạc Cống hiến” đã động viên và cổ vũ để nghệ sĩ nhiệt thành dấn thân vào con đường sáng tạo. Có thể thấy, Giải “Grammy” Việt Nam có tính đa dạng. Những cái tên được đề cử trải rộng từ những gương mặt có “tem, mác” trên thị trường âm nhạc với danh tiếng bền chặt trong lòng công chúng tới những nghệ sĩ trẻ mới “lộ diện” trong thời gian gần đây. Cống hiến của họ đối với âm nhạc Việt ít nhiều được giới chuyên môn, các nhà báo, công chúng ghi nhận.  

Đọc thêm