Khi nào người cha được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn?

(PLVN) - Một bạn đọc không nói tên hỏi: "Khi nào người cha được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn?" Hãy cùng báo PLVN tìm hiểu.

Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Hiện nay, về nguyên tắc, khi li hôn, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được ưu tiên giao cho người mẹ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, quy định của pháp luật hiện hành vẫn cho phép người cha được quyền nuôi con trong một số trường hợp.

Trường hợp thứ nhất: Hai vợ chồng có thỏa thuận về người nuôi con.

Trong trường hợp này, khi li hôn, nếu hai vợ chồng thỏa thuận người chồng là người trực tiếp nuôi con, đồng thời thỏa thuận này đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho con thì Tòa án tôn trọng thỏa thuận này.

Trường hợp này được pháp luật ghi nhận tại Khoản 2 – Điều 81 – Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

Vợ, chồng thỏa thu ận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

……

Trường hợp 2: Người mẹ không đủ điều kiện nuôi con

Nếu hai bên không thể tự thỏa thuận được quyền nuôi con, cùng với đó, người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con và người chồng có các điều kiện để đảm bảo việc nuôi dưỡng, giáo dục con tốt nhất, thì tòa có thể sẽ xem xét và quyết định giao con cho người chồng.

Trong trường hợp này, người chồng phải chứng minh mình đủ điều kiện nuôi dưỡng, giáo dục, đồng thời cũng phải chứng minh điều kiện nuôi dưỡng, giáo dục con của người vợ không đảm bảo.

Các điều kiện này có thể dựa theo các tiêu chí chính như sau:

- Điều kiện kinh tế: ví du như: có việc làm với thu nhập hàng tháng ổn định đảm bảo cho cuộc sống của cha và con, điều kiện đảm bảo về chỗ ở ổn định…

- Môi trường sống: truyền thống gia đình, hoàn cảnh gia đình, các thành viên khác trong gia đình, bản thân người cha và các thành viên gia đình không vi phạm pháp luật…

- Quỹ thời gian dành cho con: của người cha, của các thành viên khác trong gia đình như ông bà có thời gian chăm sóc cháu,...

- Và một số điều kiện khác.

Trường hợp 3: Người mẹ bị tước quyền nuôi con

Trong trường hợp này, người chồng cần chứng minh về điều kiện nuôi con của mình, cùng với đó, người chồng phải đưa được căn cứ để yêu cầu tòa án tước quyền nuôi con của người mẹ.

Căn cứ tước quyền nuôi con của người mẹ khi con dưới 36 tháng, có thể được dựa vào các yếu tố sau:

- Người mẹ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, tạm giữ, bị phạt tù…

- Người mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

- Người mẹ có hành vi bạo lực gia đình, không yêu thương con, ngược đãi con cái, bỏ đói con cái…

- Người mẹ có lối sống trụy lạc, sa đọa, như là thường xuyên tụ tập đánh bạc, sử dụng những chất kích thích nguy hiểm như rượu, ma túy dẫn đến không kiểm soát được hành vi…

- Và một số căn cứ khác theo quy định

Như vậy, không phải tất cả trường hợp con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn thì người mẹ sẽ được quyền nuôi, người cha vẫn có thể được nuôi con nếu thuộc các trường hợp đã nêu ở trên.

Đọc thêm