“Có nhiều người cho rằng tôi cố tình “làm màu”, lợi dụng mấy câu tuyên truyền “vớ vẩn” để kinh doanh. Nhưng tôi vẫn bỏ ngoài tai không quan tâm, vì mình làm gì cũng phải đặt cái tâm lên đầu tiên”, ông Mỹ cho hay.
Ám ảnh đau thương
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, từ nhỏ đã phải tự lực mưu sinh, 16 tuổi, ông Mỹ đã kiếm tiền đỡ đần gia đình bằng tài vẽ bẩm sinh, chưa từng qua trường lớp.
Hết lớp 12, ông Mỹ theo học vài “món” chụp ảnh dạo từ thế hệ đàn anh, rồi bén duyên với nghiệp nhiếp ảnh từ đó. Trong nghệ thuật này, ông tự nhận mình “mù chữ”, tự mày mò học thêm cách sắp đặt để kết hợp các hình ảnh, tạo dấu ấn riêng cho mình.
Là một trong những nghệ sĩ đi tiên phong trong phong trào xã hội, tuyên truyền về vấn nạn an toàn giao thông trên địa bàn, ông tâm sự: “Tôi đi đây đi đó nhiều, chứng kiến nhiều cảnh TNGT đau thương, chỉ vì một chút sơ suất không đáng xảy ra. Người dân còn thờ ơ với chính mạng sống của mình và mọi người, ý thức kém là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng. Vì thế, tôi muốn dồn tâm huyết góp một phần nhỏ để giảm thiểu vấn nạn này”.
Một góc triển lãm nghệ thuật của ông Mỹ. |
Ông kể thêm: “Có lần tôi bắt gặp những du khách nước ngoài đến Việt Nam, họ muốn sang đường nhưng sợ hãi, lúng túng, phải liên tục ra dấu hiệu. Khi sang được bên kia đường rồi, họ tỏ ra vui sướng, hân hoan như vừa mới thoát nạn vậy. Thấy cảnh tượng như thế, tôi càng quyết tâm thực hiện ý tưởng tuyên truyền an toàn giao thông”.
Những lần tham dự các giải thưởng quốc tế, ngược xuôi ở nước ngoài, ông Mỹ nhiều khi còn “xao nhãng” nghệ thuật để chú tâm quan sát cách người dân ở nước bạn tham gia giao thông công cộng một cách văn minh. “Nhìn người lại ngẫm ta”, những ám ảnh về những vụ tai nạn giao thông trong nước càng thôi thúc ông phải làm gì đó góp phần tác động đến ý thức, hành động của người dân khi tham gia giao thông.
Quán cafe “Biển báo”
Để hiện thực hóa tâm nguyện của mình, năm 2013, ông Mỹ dốc tài sản tích góp được để khai trương quán cà phê mang tên “Biển báo” độc đáo. Mục đích mở quán “Biển báo”, theo ông Mỹ là muốn tuyên truyền một cách dễ hiểu, trực quan cho mọi người, tạo cảm giác hào hứng khi học luật giao thông.
Một góc quán cà phê “Biển báo” khi mới khai trương. |
Dù nằm ở vị trí không nhiều người biết nhưng nhờ kiến trúc lạ mắt, quán cà phê "giao thông" này đã trở thành điểm đến ưa thích của nhiều người dân và du khách ở Đà Nẵng. Quán thu hút từ cái nhìn đầu tiên với chiếc cổng được trang trí bằng một chiếc xe đạp cũ dựng ngược. Từ những chiếc vô lăng ô tô, tay lái xe đạp, xe máy, lốp xe cho đến đồng hồ, gương chiếu hậu, vỏ lon bia, rượu..., tất cả đều được ông Mỹ kỳ công tìm mua tại các cửa hàng xe đạp, xe máy… và sắp đặt một cách công phu.
Tự tay ông làm những biển báo giao thông và trang trí bằng cách vẽ tranh, thu gom mọi thứ liên quan đến giao thông để tạo nên hình ảnh độc đáo cho quán. Đến những quyển thực đơn đồ uống, ông cũng khéo léo lồng ghép hình biển báo giao thông.
Chính giữa quán cà phê, một chiếc lồng sắt "nhốt" hàng chục chiếc còi bên trong cũng gây ấn tượng mạnh. Ông Mỹ giải thích, mô hình này thể hiện dụng ý "nơi nào càng vắng tiếng còi thì nơi đó càng bình yên, bớt tiếng còi sẽ khiến chúng ta cẩn thận hơn".
Đặc biệt trong khu nhà nhỏ chế biến đồ uống cũng được lắp ráp từ cửa kính ô tô và được đính nhiều biển số xe.
Khách đến quán rất đa dạng về lứa tuổi, từ cao niên đến các em nhỏ. Anh Đoàn Tiến Minh (38 tuổi), một khách hàng thân thiết của quán chia sẻ, cuối tuần anh thường đưa gia đình đến quán để thưởng thức đồ uống và “ôn” lại những kiến thức về an toàn giao thông như ý nghĩa các loại biển báo… Việc này vừa thú vị vừa có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống.
Thực đơn đồ uống in hình các loại biển báo giao thông. |
Nhiều em nhỏ chỉ mới 5 - 6 tuổi đến quán tỏ ra thích thú khi được hòa mình vào không gian đầy màu sắc, học hỏi được nhiều điều thú vị về an toàn giao thông. “Lúc mới mở quán, có nhiều người cho rằng tôi cố tình “làm màu”, lợi dụng mấy câu tuyên truyền “vớ vẩn” để kinh doanh. Nhưng tôi vẫn bỏ ngoài tai không quan tâm, vì mình làm gì cũng phải đặt cái tâm lên đầu tiên, tôi chẳng sợ gì cả”, ông Mỹ cho hay.
Triển lãm an toàn giao thông
Một năm sau khi quán cà phê “Biển báo” ra đời, ông Mỹ tổ chức triển lãm “Ảnh và nghệ thuật sắp đặt: Biển báo - Traffic signs” vào cuối năm 2014 tại Đà Nẵng. Trước đó ông đã tổ chức ở một số nước như Mỹ, Úc…
Với 16 tác phẩm ảnh và nghệ thuật tại triển lãm, ông Mỹ bận rộn mỗi khi có cá nhân hay đoàn khách nào đến tham quan, cố diễn giải hết dụng ý sau từng tác phẩm. Ông chia sẻ, triển lãm được sắp xếp gồm hai phần âm - dương, cho cả người sống và người chết.
Một dấu hỏi lớn được tạo hình cách điệu từ 100 đòn gánh sơn đen - trắng, cùng những chiếc đèn hoa đăng là ý tưởng về những trăn trở sau những lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong vì TNGT. Đòn gánh là một hình ảnh nhiều ý nghĩa.
Theo ông, người chết thì “gánh” kết cục bất hạnh, có khi oan uổng không hiểu tại sao mình gặp nạn. Trong khi những người sống “gánh” hậu quả đau thương, tổn thất. Giữa không gian lập lòe ánh nến hoa đăng, những đòn gánh còn giống như chiếc bài vị in hình dấu hỏi khắc khoải...
Một tác phẩm sắp đặt khác tại triển lãm: Hai bó lon bia cột chặt hình vuông xếp chồng bên trên là loằng ngoằng các loại dây truyền nước, dụng cụ y tế. Phía dưới, đủ các loại chai rượu to nhỏ. Cái đứng, nằm, cái được bó quanh bằng vỏ lốp xe.
Ông Mỹ gọi nó là “hiệu ứng bia, rượu”. Ông lý giải: Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến TNGT là do người điều khiển phương tiện lạm dụng rượu, bia, mất kiểm soát khi tham gia giao thông. “Bia, rượu bó lấy bánh xe như thế thì chạy sao nổi, sao an toàn”, ông lý giải.
Thông điệp kêu gọi an toàn giao thông. |
Một số hình ảnh khác tại triển lãm tạo cảm giác pha trộn thật – giả như các hình ma-nơ-canh đội mũ bảo hiểm, còn người thật lại đội mũ bảo hiểm giả, kèm theo đó là những hình xếp chồng các nạn nhân chấn thương đầu do tai nạn giao thông. Hay chuyện xe quá tải tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, phá hoại môi trường… Tất cả được ông Mỹ thể hiện chi tiết trong từng tác phẩm.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Cường (35 tuổi) nhận định: “Giao thông kết hợp với nghệ thuật để truyền tải thông điệp đến mọi người rất khó, nhưng anh Mỹ không chỉ làm được mà còn thể hiện quá xuất sắc”.
Còn họa sĩ Trần Thị Cúc (57 tuổi, vợ ông Mỹ) chia sẻ: “Cùng làm nghệ thuật với nhau, nhưng làm kiểu “sống chết” như ông ấy thì tôi chịu. Tôi nghe người ta nói cũng đúng, ông “gác” lại chuyện gia đình thì dễ nhưng lại khó bỏ được “ám ảnh” về TNGT. Bất cứ hiện tượng, sự kiện nào nổi cộm trong xã hội, ổng đều chuyển tải dưới những thông điệp mới. Như bức hình cô giáo, học trò bơi qua sông bằng túi ni lông, vụ sập cầu treo Chu Va, hay tai nạn tàu cá... ông ấy làm cho bằng được mới thôi”.
Bộ râu tóc vốn dài rậm đậm chất nghệ sĩ của ông Mỹ nay dường như càng rối hơn khi ông đau đáu trăn trở về mối lo an toàn giao thông của chung cả xã hội. Ông tâm niệm nghệ thuật không phải chỉ “vị nghệ thuật” mà còn phải “vị nhân sinh”, phản ánh kịp thời hơi thở, nhức nhối đời sống xã hội, để góp tiếng nói cảnh tỉnh.
Không chỉ dừng lại ở vấn nạn giao thông mà nhiều lĩnh vực khác nổi bật trong đời sống như môi trường, ông Mỹ cũng tích cực tham gia tuyên truyền. Như hội thảo về “Bảo vệ rừng và sinh tồn loài vật” do TP.Đà Nẵng tổ chức ông cũng tham gia thường xuyên, hoặc có mặt trong các đợt thiện nguyện đến những hoàn cảnh khó khăn khắp nơi.
“Sau triển lãm Đà Nẵng, tôi sẽ tiếp tục đưa ra Hà Nội và vào TP.Hồ Chí Minh. Ở bất cứ đâu, trường học, công sở… nếu đón nhận, tôi sẵn sàng đến triển lãm. Chỉ mong người dân mình ngày càng có ý thức trong việc tham gia giao thông cũng như bảo vệ môi trường là tôi thấy việc mình làm có ý nghĩa”, ông Mỹ nói.