Ra nước ngoài học “bí kíp” mà vẫn bị vô hiệu hóa
Gần 90% lượng băng đĩa đang lưu hành trên thị trường hiện nay là sản phẩm sao chép lậu. Trung bình mỗi cửa hàng lưu hành không dưới 40.000 - 50.000 đĩa sản xuất sao chép lậu, trong đó bao gồm các loại từ phim, ca nhạc nước ngoài đến tất cả các chương trình sản xuất trong nước. Chỉ cần thấy tín hiệu một sản phẩm nào đó ăn khách thì vài giờ sau, sản phẩm đã bị in sao và nhan nhản trên thị trường với giá rẻ chỉ bằng 1/10 giá băng đĩa chính hãng.
Ngồi ở một quán cà phê hay trà đá vỉa hè, người ta cũng có thể tha hồ lựa chọn các sản phẩm giải trí qua những “cửa hàng băng đĩa di động”. Chỉ cần một chiếc rổ nhựa đeo bên hông là vô vàn những đĩa nhạc, hài được người bán mang đến tận tay khách hàng ở mọi lúc, mọi nơi, mà hầu hết là các sản phẩm đĩa in sao lậu. Mỗi chương trình CD ca nhạc, phim ảnh có vốn đầu tư sản xuất vài trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng nhưng chỉ kịp phát hành khoảng 2.000 đĩa trong ngày đầu, sau đó xem như là mất trắng.
Thị trường băng, đĩa lậu là vấn nạn đối với các nhà quản lý và là nỗi sợ hãi của các nhà sản xuất băng, đĩa. Mỗi năm các công ty phát hành băng đĩa đã bị thiệt hại hàng tỷ đồng từ nạn sao chép băng đĩa bất hợp pháp. Với các ca sĩ hay ngôi sao, dù can đảm đến mấy cũng không dám đầu tư lớn cho album của mình mà chỉ sản xuất cầm chừng, chủ yếu để giữ hình ảnh và tên tuổi trong lòng công chúng. Với người tiêu dùng, đời sống văn hóa bị ảnh hưởng do băng đĩa lậu không được kiểm soát… Hơn nữa, băng, đĩa lậu còn đẩy Việt Nam vào danh sách những nước vi phạm bản quyền nhiều nhất thế giới.
Ông Huỳnh Tiết, Giám đốc Bến Thành Audio - Video cho biết: “Trung bình một chương trình audio chúng tôi đầu tư khoảng 100 - 200 triệu đồng, còn quay hình thì khoảng 200 - 300 triệu đồng. Nhưng khi đĩa vừa phát hành, lập tức xuất hiện đĩa sao chép khiến chúng tôi bị thiệt hại rất lớn. Rõ ràng, làm phim, clip ca nhạc không hề là cuộc dạo chơi. Người sản xuất chương trình giống như nghệ sĩ xiếc đang đi trên dây. Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi nghe tin nhà sản xuất này cầm nhà, chủ hãng phim kia vay ngân hàng...
Còn ông “trùm hài” đất Bắc Phạm Đông Hồng không khỏi ưu tư. Cách đây hơn 10 năm, ông đã ra nước ngoài để học hỏi cách chống sao in băng đĩa lậu như gắn mã vạch, gắn chíp vào sản phẩm… Nhưng về áp dụng tại Việt Nam, tất cả những “bí kíp” đó đều bị “vô hiệu hóa”. “Thời đó, dân mình lấy máy quay quay hình lại trên ti vi rồi sao in ra băng đĩa thì có mã vạch giời cũng bó tay – ông Hồng thất vọng cho biết.
Thay đổi “chiến thuật”
Mặc dù các cơ quan, ban, ngành có tiến hành kiểm tra, tịch thu và xử phạt, nhưng băng đĩa lậu vẫn tràn lan khiến những nhà sản xuất chân chính rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”. Khó có thể chờ cơ quan chức năng “quét” sạch nạn băng đĩa lậu, nhiều nhà sản xuất phim, ca nhạc đã “tự cứu mình” bằng cách thay đổi “chiến thuật”: không ra băng đĩa mà bán thẳng bản quyền “đứa con cưng” của mình cho nhà mạng.
Ekip phim "Tầng 18 +" |
Phim sitcom “Tầng 18+” là “đứa con đầu lòng” của Hãng Nghe nhìn Thăng Long bán bản quyền cho Youtube. Đạo diễn Phạm Đông Hồng chia sẻ: “Mấy năm gần đây băng đĩa gần như “chết”, các gia đình ít khi mở đĩa ra xem. Hơn nữa, nạn băng đĩa lậu khiến chúng tôi lao đao. Hiện nay, khán giả cần xem cái gì là “sớt” trên Youtube. Do vậy, chúng tôi phải chuyển sang hướng kinh doanh online những sản phẩm phim ảnh và ca nhạc. “Tầng 18+” chính là dự án đánh dấu bước chuyển mình của chúng tôi”.
Ngoài “Tầng 18+”, có không ít clip ca nhạc, phim đã bán bản quyền cho nhà mạng. Ví như, Mỹ Tâm đã thành đối tác chính thức của Youtube khi đáp ứng đủ các điều kiện gắt gao từ trang chia sẻ video khổng lồ này. Với sự hợp tác này, Mỹ Tâm không những nâng cao vị thế chuyên nghiệp của mình mà còn có cơ hội quảng bá hình ảnh tới thị trường âm nhạc thế giới cũng như chia sẻ lợi nhuận qua quảng cáo theo lượt like và view.
Theo luật, “chủ nhân” của các bộ phim, clip ca nhạc đã đăng ký bản quyền sẽ được chia một phần lợi nhuận từ lượt view của người xem cũng như khoản thu được từ các clip quảng cáo đi kèm, bất kể clip được phát trên kênh Youtube hay những trang mạng bất kỳ. Điều này mang lại cho nhà sản xuất, các nghệ sĩ một khoản thu không nhỏ, kích thích họ sáng tạo nghệ thuật mà lại đỡ phải lo “chết” vì nạn băng đĩa lậu.