Khi sự cố không được coi là sự kiện

(PLO) - Sự cố môi trường biển miền Trung không được đưa vào tốp 10 sự kiện lớn của ngành Môi trường năm 2016, đã khiến dư luận dậy sóng.
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Năm mới đã bắt đầu, thời điểm để nhìn lại năm cũ, đánh giá, rút kinh nghiệm, bài học và định ra kế hoạch, công việc tiến hành trong năm mới.

Một trong những cách nhìn lại là chọn “10 sự kiện tiêu biểu” của từng ngành hay từng lĩnh vực lớn. Quan tâm lớn nhất của dư luận mới đây là sự cố môi trường biển miền Trung không được đưa vào tốp 10 sự kiện lớn của ngành Môi trường năm 2016.

Thắc mắc này được giải thích là theo tiêu chí, chỉ chọn các sự kiện tiêu biểu có tác động tích cực đến xã hội. Sự cố môi trường biển miền Trung chỉ là “sự cố” ngoài mong muốn nên không thể trở thành “sự kiện” được, hơn nữa, sự cố này mang tầm quốc gia, quá lớn, cả nước phải chung tay khắc phục chứ không chỉ thuộc một ngành.

Sự thật, sự cố môi trường biển miền Trung xảy ra do Formosa xả thải chất độc vào biển và gây ra thảm họa môi trường và rất nhiều hệ lụy khác. Phải luôn luôn nhắc lại, ghi nhớ như một bài học đắt giá và đau xót để không bao giờ xảy ra nữa. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Bộ Công Thương vừa qua, nếu có vi phạm về môi trường phải xử lý hình sự ngay, nghĩa là, không có một sự khoan nhượng nào ở đây cả.

Tương tự như chuyện “sự cố không thể thành sự kiện”, xu hướng tổng kết của mỗi ngành đều nghiêng về những việc “có tác động tích cực đến xã hội”. Ngành Công Thương với 12 dự án ngàn tỷ “đắp chiếu” hoặc thua lỗ làm tổn hại không biết bao tiền của của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng rất xấu đến xã hội được xem xét đến, phơi bày ra trước công luận nhưng cũng không coi là “sự kiện” mà cho là sự cố của những năm cũ, giờ tìm cách khắc phục. Cái này cũng phải xử lý kiên quyết như việc xâm hại môi trường vậy, hình sự luôn, xem nguyên nhân thực sự của việc “đắp chiếu” và thua lỗ ấy nằm ở đâu! Đáng lưu ý là trong 12 dự án tai tiếng ấy có đến 2 nhà máy thép, thế mà những dự án thép tiếp tục mở ra thì rõ ràng có cái gì đó phi lý ở đây.

Đầu năm, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng trải lòng với báo chí quyết tâm của ngành trong việc phục vụ người bệnh tốt hơn. Ví dụ, không để tình trạng 5 người bệnh phải nằm 1 giường. Điều này làm cho không cứ chỉ người bệnh băn khoăn, ai đã gây ra cái “thảm cảnh” 5 bệnh nhân 1 giường và nếu tình trạng này không để xảy ra nữa thì việc bệnh nhân phải nằm 3, 4 người 1 giường cũng đã là quá tải.

Xu hướng chung của mọi ngành, mọi đơn vị, cơ quan là điểm lại và đề cao ưu điểm, điểm xuyết chút ít khuyết điểm và thêm ngay biện pháp khắc phục. Đó chính là biểu hiện rõ rệt của bệnh thành tích và cũng là nguyên nhân của các tồn tại, yếu kém cứ diễn ra hết năm này sang năm khác và tạo ra gánh nặng cho nhiệm kỳ kế tiếp và chỉ có nhiệm kỳ kế tiếp thì mới phát hiện ra cái yếu kém, tồn tại đó mà thôi!

Đọc thêm