Khiếu kiện đông người vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp

(PLO) - Báo cáo tổng kết 4 năm thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so nhưng tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) vẫn diễn biến phức tạp và gay gắt ở một số địa phương, nhất là thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng. 
Hội nghị toàn quốc tổng kết 4 năm thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 4 năm thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

Sáng nay (15/12), Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 4 năm thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

Giảm tải việc tổ chức đối thoại của người đứng đầu

Đánh giá việc thực hiện các quy định của Luật Khiếu nại, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ rõ những bất cập, vướng mắc, trong đó đề cập đến việc khó khăn khi thực hiện quy định yêu cầu người giải quyết khiếu nại lần hai phải trực tiếp đối thoại.

Các ý kiến của Bộ Công an, Bộ TN&MT, TP Hà Nội, TP HCM, Long An… cùng cho rằng, người giải quyết khiếu nại lần 2 thường là Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng nên việc trực tiếp đối thoại là “rất khó khăn và ít được thực hiện”.

Lấy ví dụ ở Hà Nội, những năm qua, đơn khiếu nại  thuộc thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai của Chủ tịch UBND TP là 400-500 vụ việc/năm, nếu thực hiện đối thoại là không khả thi.

Vì vậy, UBND TP Hà Nội đề nghị sửa đổi quy định về đối thoại lần hai trong Luật Khiếu nại theo hướng, đối với những vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành thì người giải quyết khiếu nại lần hai phải tiến hành đối thoại.

Còn những vụ việc khác, người giải quyết khiếu nại lần hai được ủy quyền cho cấp phó hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại tổ chức đối thoại.

“Như thế sẽ đảm bảo cho việc giải quyết khiếu nại được thực hiện một cách kịp thời và khách quan, công khai, dân chủ, đồng thời không ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị” – ông Nguyễn Văn Tuấn Dũng, Chánh Thanh tra TP Hà Nội nhận định.

Quy định chung chung nên còn nhiều tố cáo nặc danh

Trong số những hạn chế trong thực hiện Luật Tố cáo, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về bảo vệ người tố cáo còn chung chung, khó xác định ở chỗ những biểu hiện nào, hành vi nào thì được coi là “có căn cứ cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, xâm hại đến tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm…” để áp dụng các quy định bảo vệ người tố cáo.

Việc chưa có quy định cụ thể về việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc bảo vệ người tố cáo cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các quy định này chưa đi vào cuộc sống, chưa thực sự tạo nên thiết chế khiến người tố cáo yên tâm, nên vẫn còn nhiều tố cáo mạo danh, nặc danh.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương còn phản ánh, pháp luật không quy định cụ thể đối với xử lý đơn tố cáo nặc danh, không rõ họ tên, địa chỉ.

Nếu như đơn có nội dung rõ ràng, người tố cáo đã cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu hoặc các bằng chứng khác được kiểm chứng xác thực thì cơ quan có thẩm quyền có thể thụ lý để giải quyết.

Trên thực tế, nhiều vụ việc tố cáo nặc danh, không rõ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo vẫn được một số cơ quan xem xét, giải quyết; ngược lại một số không được xem xét đã tạo nên sự thiếu thống nhất trong hoạt động áp dụng pháp luật.

Do vậy, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Lê Quốc Trung kiến nghị, thực hiện Luật Tố cáo thì chỉ nên giải quyết những đơn thư tố cáo có tên, địa chỉ người tố cáo rõ ràng.

Còn các tố cáo nặc danh thì có thể xem xét ở trình tự khác chứ không xử lý theo trình tự giải quyết tố cáo để đảm bảo tính thống nhất trong thực thi pháp luật.

Báo cáo tổng kết cho thấy, giai đoạn 2012-2016, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân có xu hướng giảm so với giai đoạn trước, số đơn KNTC giảm 54,6%, số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính giảm 39,3%.

Tuy nhiên, tình hình KNTC vẫn diễn biến phức tạp và gay gắt ở một số địa phương, nhất là thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng. Đặc biệt tình hình khiếu kiện đông người tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt, nhiều lần tập trung lên T.Ư.

Các vụ việc KNTC phức tạp, chủ yếu liên quan đến đất đai; tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Tỷ lệ KNTC sai khá nhiều, trong đó tỷ lệ khiếu nại sai là 70,5% (tăng cao so với 52,2% giai đoạn 2008-2011), tỷ lệ tố cáo sai là 59,3% (so với 54,2% của giai đoạn 2008-2011).

Đáng lo ngại là KNTC đang bị kẻ xấu lợi dụng kích động, xuyên tạc, bôi xấu, đe dọa và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, tác động tiêu cực vào tâm lý cả cán bộ, nhân dân.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã chỉ ra những nhóm nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong công tác giải quyết KNTC là trong nhiều trường hợp Nhà nước chưa đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền KNTC của người dân; quy định chưa chặt chẽ nên bị lạm dụng; quy định trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết KNTC đã có nhưng một số chưa khả thi...

Đọc thêm