Khó xử lý quán Karaoke sử dụng tác phẩm chưa được phổ biến

(PLO) - Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã có Văn bản số 21/TTr-VHGĐ đề nghị Thanh tra Sở VHTT&DL; Sở Văn hóa, Thể thao các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan công an để kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, điểm ca nhạc… sử dụng tác phẩm âm nhạc sáng tác trước năm 1975 chưa được phép phổ biến. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Quy định có thể dễ dàng được đưa ra nhưng với lực lượng kiểm tra rà soát mỏng, lại tỉ lệ nghịch với quán hát. Liệu quy định có dễ dàng được thực thi?

Lệnh cấm 

Theo đó, ngày 1/3, Thanh tra Bộ VHTT&DL đã có Văn bản (số 21/TTr-VHGĐ) gửi Thanh tra các Sở VHTT&DL và Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) các tỉnh, thành phố về việc kiểm tra hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Theo văn bản, Thanh tra Bộ đã nhận được Công văn số 149/CV-A87 ngày 18/1/2017 của Cục An ninh Văn hóa, Thông tin và Truyền thông (A87) về việc kiểm tra hoạt động của hệ thống kinh doanh karaoke tụ điểm ca nhạc trên cả nước.

Qua công tác nắm tình hình, Thanh tra Bộ nhận thấy tình trạng sử dụng tác phẩm âm nhạc sáng tác trước năm 1975 chưa được phép phổ biến, ca khúc có nội dung phản động, lồng ghép hình ảnh ca ngợi người lính Việt Nam Cộng hòa như: “Đêm nhớ trăng Sài Gòn”, “Thiên thần mũ đỏ”, “Trên bốn vùng chiến thuật”, “Rừng lá thấp”…và nhiều tác phẩm âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình được sao chép, sử dụng phổ biến mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan (người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình) vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến, nhất là các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, điểm ca nhạc.

Trước đó, ngày 16/12/2016, Sở VH-TT TP HCM đã có công văn gửi tới Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) về việc xem xét lại nội dung một số ca khúc sáng tác trước năm 1975, kèm theo đó là danh mục một số bài hát đã có quyết định cho phép phổ biến. Sau đó, Hội đồng nghệ thuật Cục NTBD đã tiến hành tổ chức thẩm định lại và thống nhất tạm thời cho dừng lưu hành 5 ca khúc đã cấp phép phổ biến để xem xét, xác minh, thẩm định trên cơ sở đối chiếu với bản nhạc gốc, gồm: “Cánh thiệp đầu xuân” (tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ), “Rừng xưa”, “Chuyện buồn ngày xuân” (Lam Phương), “Đừng gọi anh bằng chú” (Diên An), “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương).

Để chấn chỉnh tình trạng phát hành lệnh cấm nhưng các địa điểm vui chơi vẫn sử dụng theo thói quen như tại các quán karaoke, Thanh tra Bộ đã đề nghị Thanh tra Sở VHTT&DL; Sở VHTT các tỉnh, thành phố phối hợp với PA87 để kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, điểm ca nhạc… có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thanh tra Bộ cũng gửi kèm danh mục những bài hát, chương trình do các tác giả sáng tác trước năm 1975 chưa được cấp phép, phổ biến theo Công văn số 1176/NTBD-QLBD ngày 23.12.2016 của Cục NTBD để các địa phương làm căn cứ xử lý. 

Quy định có được thực thi?

Nói về vấn đề cấm phát hành những ca khúc chưa được phổ biến, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu nêu quan điểm: “Tôi nghĩ các cơ quan quản lý văn hóa, nghệ thuật cần có chiến lược rõ ràng và bao quát hơn, chứ việc thỉnh thoảng ra quyết định tạm dừng lưu hành một vài bài hát chỉ mang tính chất "bắt cóc bỏ đĩa", chưa giải quyết được triệt để vấn đề.

Những cơ quan này cần có một bộ phận tư vấn giỏi về chuyên môn, vững vàng về quan điểm để xác định một cách có hệ thống những tác phẩm nào nên dùng, những tác phẩm nào tạm thời giữ lại, chưa nên phổ biến trong giai đoạn hiện nay.Việc giữ lại một vài tác phẩm không đồng nghĩa với việc phủ nhận giá trị của chúng hay tác giả mà đơn giản chỉ là chưa phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Và hơn hết, quan trọng nhất vẫn là ở cách làm, thái độ làm để tránh những người có phản ứng nhạy cảm với thời cuộc có cơ hội bắt bẻ”.

Một trong những vấn đề cần bàn tới nữa là liệu cơ quan chức năng có đủ lực lượng và đủ sức để có cuộc chiến dài hơi với các quán karaoke hay không? Cuộc chiến ở đây chính là tìm đến từng quán karaoke vào tận từng phòng để kiểm tra xem liệu đã xóa bỏ hay chưa những ca khúc bị cấm lưu hành? Bởi sở dĩ xưa nay chỉ cần đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà đi ngược với quy định là chuyện không hề hiếm. Nhất là ở những tụ điểm giải trí, nơi mà đề cao sự “chiều chuộng” khách hàng. Hơn nữa, nhiều khách hàng cũng sẽ vào quán hát rồi bật bài như một thói quen. Vậy nếu không triệt để và có chiến lược rõ ràng thì liệu quy định có được thực thi? Đó là chưa kể nhiều quán karaoke tại gia cũng có sẵn những bài này từ trước…

Nói tóm lại, cuộc chiến xử phạt các quán karaoke sử dụng những ca khúc chưa phổ biến là một câu chuyện dài mà trong ngày một ngày hai cả bộ máy chính quyền liên quan có thể đi đến hồi kết được. Thiết nghĩ, việc lực lượng mỏng tỉ lệ nghịch với số lượng dày đặc các quán karaoke sẽ thật sự là một thách thức nhưng nếu ngay từ khi bắt đầu thật quyết liệt và sát sao thì sẽ có thể rút ngắn được khoảng cách đưa quy định vào hiện hành.

Đọc thêm