Hành vi sai trái cần lên án
Với sự ưu ái mà mẹ thiên nhiên ban tặng, Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao với vô số các loài động, thực vật hoang dã với hơn 11.373 loài thực vật bậc cao có mạch, 2.393 loài thực vật bậc thấp, 337 loài và phân loài thú (trong đó có 25 loài thú biển), 840 loài chim, 337 loài bò sát (trong đó có 15 loài rắn biển; 5 loài rùa biển), 167 loài lưỡng cư, trên 1.028 loài cá nước ngọt và khoảng 2.500 loài cá nước mặn.
So với các nước trong vùng Đông Dương, khu hệ động vật Việt Nam khá giàu về thành phần loài và có mức độ cao về tính đặc hữu. Nhiều loài có giá trị lớn cho việc bảo tồn, đóng góp cho khoa học và khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của đa dạng sinh học Việt Nam như sao la, cheo cheo lưng bạc, mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn, voi châu Á, bò rừng, bò xám, hổ, báo, hươu sao, các loài linh trưởng, các loài rùa biển và rùa cạn nước ngọt…
Dù đa dạng là vậy nhưng song hành với đó là nguy cơ tuyệt chủng tăng mạnh. Hiện nay số lượng các loài động vật hoang dã (ĐVHD) của Việt Nam đang ngày càng suy giảm một cách nghiêm trọng. Có đến 745 loài nguy cấp đang bị đe dọa tại Việt Nam, trong đó có “64 loài thú, 53 loài chim, 70 loài bò sát, 45 loài lưỡng cư và 96 loài cá” (Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế – IUCN, 2020).
Bên cạnh các tác động từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường thì nguyên nhân gốc rễ của vấn đề vẫn xuất phát từ con người. Sự thiếu thông tin cũng như thái độ thờ ơ của một bộ phận người trong xã hội đã dẫn tới những hành động và ứng xử không thân thiện gây hại tới ĐVHD.
Trong nhiều thế kỷ qua, sản phẩm từ ĐVHD đã được con người sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, sinh mạng của ĐVHD dần trở thành thú chơi vô cảm cho con người.
Phổ biến và đáng ngại nhất có lẽ là hiện tượng ăn thịt thú rừng hoặc sử dụng các sản phẩm từ thú rừng để chữa bệnh. Nhiều người lầm tưởng rằng, vảy tê tê là “thần dược” có thể chữa được nhiều bệnh như yếu sinh lý, ung thư,… Một số người lại tin rằng, những bài thuốc bí truyền sử dụng sừng tê giác hay uống rượu ngâm ĐVHD có tác dụng bồi bổ sức khỏe.
Do thiếu nhận thức và lầm tưởng về tác dụng “thổi phồng” của các bài thuốc cổ truyền từ ĐVHD mà nhiều người vẫn lùng mua các sản phẩm như mật gấu, cao hổ, sừng tê giác, vảy tê tê… trong khi chúng đều là các sản phẩm bất hợp pháp và không có công dụng thần dược như quảng cáo, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh từ việc trực tiếp sử dụng và mua bán chúng.
Bên cạnh đó, hoạt động mua bán, sử dụng trang sức, chế phẩm từ ĐVHD cũng rất phổ biến tại Việt Nam. Trước những tin lời đồn thổi vô căn cứ rằng ngà voi, lông đuôi voi sẽ xua đuổi tà khí, mang lại may mắn, không ít người đã sẵn sàng chi khoản tiền lớn để sở hữu những miếng ngà, chiếc nhẫn vốn là “hàng cấm” nhằm thể hiện đẳng cấp của dân chơi.
Vậy nhưng, sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD vào các mục đích tâm linh vị kỷ không đem lại sự bình an, may mắn hay thể hiện đẳng cấp cho người sử dụng như họ vẫn tưởng. Ẩn sau vẻ đẹp lộng lẫy của những loại trang sức chế tác từ ngà voi, kèm những lời chào mời điêu trác, là những tiếng thét thảm thương, là nỗi đau khôn xiết của những cá thể voi hoang dã đang bị săn bắt một cách tàn nhẫn. Có bao giờ họ tự hỏi rằng tìm vẻ hào nhoáng từ sự chết chóc của ĐVHD liệu có đáng?
Ngoài ra, trong số nhiều mối đe dọa mà ĐVHD đang phải đối mặt hiện nay, buôn bán thú cưng cũng là một trong những nhân tố chính thúc đẩy một số loài đến nguy cơ tuyệt chủng. Hoạt động này đang phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó Nhật Bản là một trong những nước tiêu thụ lớn nhất.
Tại Việt Nam, trào lưu nuôi thú cưng là ĐVHD đang dần xuất hiện. Một trong số đó, rùa cạn và rùa nước ngọt là loại ĐVHD được nuôi phổ biến. Ở nước ta, số lượng loài rùa cạn, rùa nước ngọt và rùa biển chiếm 9% trong tổng số các loài rùa trên thế giới nên trở thành tâm điểm trong việc buôn bán ĐVHD trái phép. Các chuyên gia và nhà nghiên cứu cho rằng, đây chính là nguyên nhân đe dọa đến sự tuyệt chủng của các loài rùa.
Theo khảo sát thị trường nuôi thú cảnh ở Việt Nam, từ tháng 9/2020 đến tháng 9/2021, đã có 1.912 cá thể được rao bán trên mạng internet, trong đó có 15 loài rùa phân bố chủ yếu ở miền Nam Việt Nam. Đáng chú ý, hầu hết người nuôi rùa làm vật cảnh hay thú cưng đều không biết loại rùa cũng như không nghĩ đến việc cung cấp môi trường sống an toàn cho chúng. Mà họ còn khoan lỗ trên mai rùa, buộc dây để rùa không bò ra khỏi nhà, hay nuôi trong những lồng nhỏ...
Những suy nghĩ lệch lạc trên chính là “đòn bẩy”, thúc đẩy nguồn cung, kích cầu tình trạng buôn bán ĐVHD ngày càng gia tăng như hiện nay.
Sản phẩm từ ngà voi luôn được săn lùng. |
Ẩn họa nguy hiểm từ nhu cầu của con người
Nhu cầu tiêu thụ ĐVHD của con người không chỉ gây suy giảm nghiêm trọng số lượng quần thể các giống loài hoang dã, làm đảo lộn cả hệ sinh thái tự nhiên mà còn góp phần “tiêu diệt” chính con người và đồng loại.
Nhiều người vẫn cho rằng thế giới động vật là tách biệt với chúng ta, nhưng cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của chúng lại liên kết chặt chẽ, gắn với nhau bằng cả triệu sợi dây vô hình. Trên thế giới có khoảng 15 triệu loài sinh vật, mỗi loài đều nằm trong một mắc xích hoặc nhiều mắc xích quan trọng trong chuỗi thức ăn tự nhiên, nói cách khác, mỗi loài đều phụ thuộc vào các loài khác để tồn tại.
Sự biến mất của một loài sẽ dẫn đến sự thay đổi toàn bộ cấu trúc đã diễn ra theo quy luật của hàng chục triệu năm nay. Từ đó gây xáo trộn hệ sinh thái tự nhiên dẫn đến tình trạng mất cân bằng trầm trọng và toàn bộ hệ sinh thái đó sẽ phải gánh chịu hậu quả. Săn bắt ĐVHD trái phép còn trực tiếp ảnh hưởng đến sự bảo tồn môi trường, khiến gia tăng áp lực lên công tác bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học, gây áp lực dữ dội lên các khu bảo tồn thiên nhiên và áp lực lên quần thể của các loài động vật bản địa đang được bảo vệ.
Về mặt kinh tế, theo ước tính của WWF cho thấy buôn bán ĐVHD bất hợp pháp ở quy mô toàn cầu có trị giá lên đến hơn 20 tỷ USD mỗi năm. Một con số khổng lồ và chỉ đứng sau buôn bán ma túy, buôn người và buôn bán vũ khí.
Buôn bán ĐVHD là nguồn thu nhập quan trọng cho các thợ săn, đó cũng là lợi nhuận lớn cho các chủ buôn do sự gia tăng đột biết về nhu cầu nuôi. Nhưng nó lại gây thiệt hại cho nền kinh tế của các quốc gia bao gồm chi phí để bảo tồn, bảo vệ, ngăn chặn việc săn bắt, buôn bán tại quốc gia nơi nó diễn ra. Đồng thời còn ảnh hưởng đến các cơ hội du lịch và phát triển các dịch vụ du lịch.
Ngoài ra, việc buôn bán ĐVHD còn góp phần đưa mầm bệnh đe dọa sức khỏe cộng đồng. Việc mua bán để tiêu thụ thức ăn từ các loài ĐVHD tạo ra các thói quen không khoa học và thiếu an toàn. Đây là nguyên do dẫn đến một trong những nguy cơ gây ra mất vệ sinh an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm của con người, chưa kể các loài thú hoang vốn mang nhiều ký sinh trùng trong tự nhiên.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm trong 50 năm qua đều bắt nguồn từ ĐVHD. Thói quen tiêu thụ ĐVHD đã tạo điều kiện cho nhiều virus lạ tiến sang người và gây ra những đại dịch làm chết rất nhiều người và gây sự gián đoạn lớn về kinh tế. Ví dụ như dơi lây truyền virus Ebola, SARS, MERS, bệnh dại; muỗi lây bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, Zika,...
Và cả những ẩn họa mà con người không thể lường trước. Như việc săn bắt chim, thú rừng tùy tiện cùng với nạn đốt phá rừng đã phá hoại nghiêm trọng môi trường sống của nhiều loài ĐVHD, làm cho một số loài trở nên hung dữ, gây ra những thảm họa đối với con người như nạn voi dữ, lợn rừng phá hoại sản xuất, nạn chuột, châu chấu phá hoại mùa màng ở nhiều nơi.
Do đó, việc bảo vệ các loài ĐVHD, trong đó có những loài động vật đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng đang ngày càng trở nên cấp thiết. Để làm được điều đó không chỉ là nỗ lực của các cơ quan chức năng mà cần sự chung tay của cả cộng đồng, bắt đầu từ việc chấm dứt thú chơi vô cảm từ ĐVHD của con người.