Khỏi COVID-19, F0 vẫn có nguy cơ tái nhiễm biến chủng mới

Dịch COVID-19 bùng phát: Các chuyên gia cho rằng với sự xuất hiện của biến chủng mới, F0 khỏi bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2 nhưng diễn biến bệnh sẽ không nặng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính tới hết ngày 11/1, Việt Nam đã ghi nhận 31 ca mắc COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron. Các trường hợp này đều đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Tuy nhiên, việc các biến chủng mới xuất hiện vẫn mang tới lo ngại về khả năng tái nhiễm virus đối với những trường hợp từng mắc bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ này có thể xảy ra. Tuy nhiên, tỷ lệ xảy ra tình huống này không cao. Thậm chí với những người đã tiêm chủng vaccine, diễn biến bệnh sau khi tái nhiễm SARS-CoV-2 cũng sẽ rất nhẹ.

Nguy cơ có thật

Trao đổi với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, các F0 sau khi khỏi bệnh COVID-19 vẫn có nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2.

“Những người tái nhiễm biến chủng mới vẫn có nguy cơ diễn biến nặng nếu chưa tiêm vaccine. Diễn biến bệnh khi tái nhiễm cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ ác tính của biến chủng”, vị chuyên gia cho biết.

Bác sĩ này lấy ví dụ một trường hợp từng nhiễm biến chủng Alpha và khỏi bệnh, sau đó tiếp tục nhiễm biến chủng Delta. Do biến chủng Delta có mức độ độc tính cao hơn nên người tái nhiễm vẫn có nguy cơ diễn biến nặng nếu chưa đảm bảo đủ mũi vaccine.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc cùng ê-kíp can thiệp cho một bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng. Ảnh: Việt Linh.

Trong khi đó, các báo cáo hiện tại cho thấy biến chủng Omicron có mức độ độc tính thấp hơn. Người tái nhiễm SARS-CoV-2 với biến chủng này có thể diễn biến bệnh nhẹ hơn.

Ngược lại, những trường hợp đã tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh COVID-19, diễn biến bệnh khi tái nhiễm cũng tương tự những người bình thường khác.

Theo bác sĩ Phúc, những trường hợp có nguy cơ tái nhiễm virus cao vẫn là nhóm hệ miễn dịch kém, mắc bệnh nền, người cao tuổi.

Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho rằng nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2 với biến chủng Omicron của người từng nhiễm biến chủng Delta cao hơn nhóm từng nhiễm Alpha.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này khẳng định hiện nay, những người từng nhiễm biến chủng Delta và tái nhiễm với Omicron có diễn biến bệnh rất nhẹ. Khả năng xảy ra tình huống này cũng rất thấp.

Bác sĩ Khanh lưu ý: “Một vấn đề quan trọng và cũng rất đáng lo ngại là nhiều trường hợp có thể có kết quả xét nghiệm sai ở lần nhiễm virus đầu tiên. Việc này khiến F0 dễ có tâm lý chủ quan, tưởng tái nhiễm nhưng thực tế là nhiễm lần đầu”.

Do đó, bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân sau khi khỏi COVID-19 vẫn nên cố gắng tiêm đủ 3 mũi vaccine (liều cơ bản và nhắc lại), thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K.

Ngoài ra, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM cũng khẳng định việc tiêm vaccine đầy đủ sẽ hạn chế được nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2 từ những biến chủng mới. Theo ông, bản thân biến chủng Omicron cũng rất khó lây nhiễm ở những người đã tiêm 3 mũi vaccine.

Phân biệt rõ tái dương tính và tái nhiễm SARS-CoV-2

Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chưa tiếp nhận trường hợp tái nhiễm nCoV nào. Trong quá khứ, Việt Nam cũng từng phát hiện nhiều trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, các trường hợp này đều chỉ là tái dương tính với virus.

Phân biệt 2 tình trạng này, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết tái dương tính là tình trạng được ghi nhận khi người mắc đang trong diễn biến của bệnh. Họ từng có giai đoạn xét nghiệm cho kết quả âm tính, sau đó dương tính. Trong khi đó, tái nhiễm SARS-CoV-2 được hiểu là tiếp tục mắc Covid-19 sau khi đã khỏi hoàn toàn.

“Với những trường hợp này, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm kiểm tra kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus... Căn cứ vào kết quả cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ, bác sĩ sẽ xác định họ khỏi COVID-19 hay chưa, tái dương tính hay tái nhiễm”, bác sĩ Cấp giải thích.

Kỹ thuật viên thực hiện các thao tác xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Quốc Toàn.

Để khẳng định bệnh nhân tái dương tính hay tái nhiễm, vị chuyên gia này cho biết có rất nhiều cách, trong đó nuôi cấy virus có giá trị khẳng định cao nhất. Tuy nhiên, phương pháp này khó thực hiện, tỷ lệ thành công thấp và cho kết quả muộn. Việt Nam hiện sử dụng phương pháp rRT-PCR để tìm chất liệu di truyền (ARN) của virus.

Theo tiêu chuẩn của WHO, ở ngưỡng phát hiện 100 bản sao trên mỗi phản ứng, xét nghiệm phải đạt độ nhạy 95%. Do đó, những bệnh nhân COVID-19 giai đoạn đầu hoặc đang hồi phục sẽ có nồng độ virus ở ranh giới giữa âm và dương tính. Ngoài ra, kết quả còn phụ thuộc mức độ tập trung của virus trong mẫu bệnh phẩm.

Do xét nghiệm chỉ xác định được ARN (một mảnh trong cấu trúc) của virus, một số trường hợp khỏi bệnh, SARS-CoV-2 chết nhưng vẫn còn vài mảnh xác lưu lại trong mô. Lúc này, bệnh phẩm đưa vào xét nghiệm vẫn cho kết quả dương tính. Những trường hợp này được gọi là tái dương tính với virus.

Trong khi đó, cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định bệnh nhân tái nhiễm SARS-CoV-2 là họ từng mắc COVID-19, đủ tiêu chuẩn khỏi bệnh và có thời gian dài sạch virus. Các trường hợp này mắc bệnh lần thứ 2, nuôi cấy virus có phát triển. Qua đó, chúng ta có thể kết luận bệnh nhân mang virus sống thay vì mảnh xác tồn lưu từ lần nhiễm trước.

Kết quả nghiên cứu mới đây của ICL dựa trên dữ liệu của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) và Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) về những người có kết quả xét nghiệm dương tính trong giai đoạn 29/11-11/12/2021 cho thấy Omicron có liên quan đến nguy cơ tái nhiễm cao hơn 5,4 lần so với Delta.

Dữ liệu được ICL phân tích dựa trên 333.000 ca mắc COVID-19, bao gồm 122.062 ca nhiễm biến chủng Delta và 1.846 ca được xác nhận nhiễm Omicron thông qua giải trình tự gene.

Khả năng bảo vệ do đã mắc COVID-19 chống lại sự tái nhiễm với Omicron có thể thấp tới 19%, ICL cho biết trong một tuyên bố. Nghiên cứu vẫn chưa được bình duyệt.

Đọc thêm