Hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2020), hôm qua (11/11), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “90 năm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Dự Hội thảo có ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Vai trò, vị thế MTTQ trong hệ thống chính trị
Các tham luận tại hội thảo đã tập trung khẳng định tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng về đại đoàn kết và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân là một bộ phận hữu cơ, tư tưởng xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng.
Khẳng định vai trò, đóng góp to lớn của Mặt trận Dân tộc Thống nhất trong việc khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng dân tộc- nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Tại hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc Việt Nam; sự trưởng thành lớn mạnh và những đóng góp quan trọng của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc suốt 90 năm qua.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, MTTQ Việt Nam phải tiếp tục đổi mới về mọi mặt, nhất là phương thức hoạt động, khẳng định vai trò, vị thế trong hệ thống chính trị. Phát huy hiệu quả chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, MTTQ phải tập hợp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội dựa vào nhân dân để tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường. Đồng thời củng cố và phát huy thế trận lòng dân, góp phần thực hiện thắng lợi của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Để tiến tới và góp phần vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thường trực Ban Bí thư đề nghị Mặt trận cần tổ chức thật tốt việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội để đó thực sự là kết tinh trí tuệ, tâm huyết của toàn dân, toàn Đảng, toàn quân ta, phản ánh ý chí, nguyện vọng và khát vọng phát triển đất nước của toàn thể dân tộc ta trong giai đoạn mới.
Đa dạng hóa các hình thức vận động, tuyên truyền
Tham luận tại hội thảo, GS.TS Mạch Quang Thắng, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong xây dựng Mặt trận, Đảng phải chú trọng hơn nữa củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy lợi ích chung làm điểm quy tụ, đồng thời phải tôn trọng các lợi ích khác biệt chính đáng.
Để phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, một trong những giải pháp đặt ra là Mặt trận tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân.
Tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân ở trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài biết và ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước.
Ông Ngô Sách Thực cũng nhấn mạnh tới việc tiếp tục đề xuất thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”; mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong quyết định những vấn đề lớn của đất nước; tham gia hoàn thiện cơ chế giám sát quyền lực; nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội…
Phát biểu bế mạc hội thảo, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, chặng đường 90 năm xây dựng và phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất đã để lại những bài học vô cùng quý giá.
Bài học xuyên suốt là phải luôn quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh trong từng thời kỳ lịch sử. Đặc biệt là bài học về phát huy dân chủ trong các tầng lớp nhân dân, tạo đồng thuận xã hội để Mặt trận thực sự giữ vai trò là “cầu nối” giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Nhấn mạnh tới bài học về giữ vững lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, với công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc, ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc giữ vững lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước thể hiện thông qua niềm tin vào phẩm chất, đạo đức, năng lực của cán bộ, đảng viên của Đảng, của hệ thống chính trị trong thực thi nhiệm vụ và chăm lo cuộc sống của nhân dân.
Theo đó, Mặt trận phải là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhân dân hành động yêu nước, là “chỗ dựa” của nhân dân khi nhân dân cần được bảo vệ. Kiên trì tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc. Có phương thức, biện pháp phù hợp để nhân dân đề cao cảnh giác, chủ động phòng và đấu tranh chống lại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội.