Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, sáng 27/7, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Cơ bản thống nhất với đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa) đề nghị phải quan tâm đến giải pháp về nguồn lực, huy động nội lực trong nhân dân bởi trong xây dựng thôn mới, chúng ta xác định người dân là chủ thể. Ông cũng đề xuất Chính phủ nên nghiên cứu để hỗ trợ cân đối cho những địa phương còn phải cân đối ngân sách, thay bằng việc chỉ hỗ trợ cho những đơn vị còn phải cân đối ngân sách Trung ương từ 60% trở lên. Bởi vì trong những năm tiếp theo việc thu ngân sách nhà nước chắc chắn còn gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID.
Cùng bàn về vấn đề huy động nguồn lực thực hiện Chương trình, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) bày tỏ sự băn khoăn về tỷ lệ bố trí nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương, khoảng 156.700 tỷ đồng, chiếm 6,4% trong cơ cấu tổng thể nguồn lực thực hiện Chương trình trong bối cảnh diễn biến tình hình dịch COVID hết sức phức tạp hiện nay và các địa phương đang sử dụng mọi nguồn lực để tăng cường cho công tác phòng, chống dịch, thực hiện các hoạt động, các chương trình an sinh xã hội và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn về dự báo nguồn thu ngân sách. Vì vậy, Chính phủ cần cân nhắc vấn đề này sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Bà Nguyệt cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá và phân tích kỹ những vấn đề tồn tại, hạn chế cùng với những nguyên nhân được chỉ ra từ quá trình tổ chức thực hiện trong thời gian qua để rút ra những bài học kinh nghiệm về cơ chế phối hợp vận hành giữa các chủ thể thực hiện chương trình.
Trong đó, vấn đề truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm của mình với cộng đồng như khơi dậy sự tự nguyện và đồng thuận của xã hội về xây dựng nông thôn mới với vai trò dẫn dắt, đầu tàu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng là hết sức quan trọng.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc) lại băn khoăn liệu có chồng lấn về phạm vi giữa 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, theo ông, đối với địa bàn có nhiều Chương trình mục tiêu quốc gia khác nhau cùng thực hiện thì cần phải xác định rõ nhiệm vụ của từng chương trình, tránh trùng lặp hoặc bỏ sót để đảm bảo các mục tiêu đề ra.
|
Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV. |
Còn về đối tượng thụ hưởng các chính sách của các Chương trình mục tiêu quốc gia thì Chương trình xây dựng nông thôn mới, đối tượng thụ hưởng là nông dân, người dân sinh sống tại địa bàn khu vực nông thôn. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm, nghèo bền vững thì đối tượng thụ hưởng là người có chính sách nghèo, người nghèo, người có thu nhập thấp, người yếu thế dễ bị tổn thương... Như vậy, người nông dân, người nông thôn, người dân sinh sống tại khu vực có Chương trình mục tiêu quốc gia cần cân nhắc để hưởng một trong những chính sách cao nhất khi trùng lặp, tránh tình trạng hưởng nhiều chính sách cùng một mục tiêu.
Khẳng định vai trò rất quan trọng của nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Đại biểu Quốc hội đến từ Đoàn Lào Cai Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị rõ ràng là Chính phủ ưu tiên bố trí đủ nguồn ngân sách Trung ương, trước mắt có thể là 3.900 tỷ, nhưng cần cân đối để bổ sung thêm nguồn lực và các gói hỗ trợ cho khu vực này để có thể khôi phục sản xuất, giúp người dân vượt qua những khó khăn.
Đồng thời, theo bà, cần tăng cường phân cấp và có giám sát hậu kiểm tốt hơn trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới; chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, tăng chất lượng cuộc sống thực sự, tăng thu nhập cho người dân, chứ không chỉ chú trọng để tăng quy mô và sản lượng, số lượng như hiện nay.