Khởi động dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế”

(PLVN) -Chiều ngày 9/11, Bộ trưởng Lê Thành Long tham dự Lễ khởi động dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế” do Ngân hàng thế giới tài trợ từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản. Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và đại diện Ngân hàng thế giới cùng tham gia.

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng vui mừng cho biết, Lễ khởi động dự án hôm nay chính là kết quả của những nỗ lực và tinh thần hợp tác thiện chí giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Ngân hàng Thế giới cùng với Đại sứ quán Nhật Bản trong suốt hơn 03 năm vừa qua. Bộ trưởng nhấn mạnh, Ngân hàng Thế giới và Nhật Bản đều là những đối tác hợp tác truyền thống với Việt Nam nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng, vì vậy, việc tổ chức Lễ khởi động Dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế” do WB thực hiện từ nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản tiếp tục là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với WB và Chính phủ Nhật Bản trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

Trong thời gian tới, yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt ra rất nhiều nhiệm vụ đối với Bộ, ngành Tư pháp. Bộ trưởng hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế, trong đó có WB và Nhật Bản, đặc biệt là trong việc đào tạo tăng cường năng lực chuyên môn và ngoại ngữ, xây dựng đội ngũ cán bộ pháp luật và tư pháp ngày càng vững mạnh.

Bày tỏ sự cảm kích khi Ngân hàng Thế giới là tổ chức được hỗ trợ dự án trợ giúp pháp lý đầu tiên tại Việt Nam, Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết tiếp cận công lý là đặc điểm nổi bật trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững và trợ giúp pháp lý được coi là yếu tố cốt lõi thúc đẩy tiếp cận công lý. Đánh giá vai trò của luật pháp, trao quyền pháp lý và tiếp cận công lý trong xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam vẫn còn dư địa để phát triển, bà Carolyn Turk hy vọng dự án này sẽ góp phần vào việc phát triển một hệ thống trợ giúp pháp lý dễ tiếp cận, hiệu quả, bền vững và đáng tin cậy tại Việt Nam.

Ông Yamada Takio, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam gửi lời chúc mừng tới Dự án, đồng thời cho biết sự hợp tác trong lĩnh vực pháp lý và tư pháp đã và đang là động lực trung tâm trong mối quan hệ đối tác song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ông nhấn mạnh đối với nhà nước pháp quyền, điều kiện tiên quyết là tiếp cận công lý; quyền tiếp cận công lý bình đẳng phải được công bằng, tuy nhiên, người nghèo và người dễ bị tổn thương lại hạn chế tiếp cận thông tin và các thiết chế tư pháp do các yếu tố khác nhau như rào cản địa lý và ngôn ngữ, mặc dù họ là những người cần hỗ trợ pháp lý nhất. Ông hy vọng, sự hợp tác này sẽ mang lại sự hỗ trợ hữu ích cho người nghèo và những người yếu thế ở Việt Nam.

Đại diện hai địa phương thụ hưởng dự án, đồng chí Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Lê Thành Long, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ đã quan tâm, tạo điều kiện cho hai tỉnh Yên Bái và Điện Biên tham gia Dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế”. Đồng chi cho biết trong những năm qua, nhất là kể từ khi Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) 2017 có hiệu lực thi hành, công tác TGPL trên địa bàn tỉnh Yên Bái và tỉnh Điện Biên đạt được những kết quả tích cực, số lượng và chất lượng vụ việc TGPL năm sau tăng cao so với năm trước. Vì vậy, việc được Bộ Tư pháp và Ngân hàng Thế giới lựa chọn là các địa điểm thực hiện Dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với Yên Bái và Điện Biên.

Các hoạt động của Dự án khi được triển khai thực hiện sẽ tạo điều kiện tốt hơn đối với người dân ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn trong việc thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý, qua đó góp phần vào việc thực hiện công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, xoá đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Đọc thêm