Dự án có quy mô đất 286,5ha, trong đó hơn 96ha thuộc Đà Nẵng. Quy mô đào tạo đến năm 2035 là 66.000 người, gồm 60.000 sinh viên và khoảng 6.000 giảng viên, cán bộ.
Các khu chức năng bao gồm Khu trung tâm (điều hành khu đại học, công trình dịch vụ công cộng và một số tiện ích chung); Khu học tập và các cơ sở nghiên cứu thuộc Đại học Đà Nẵng (dự kiến bố trí cho 11 trường đã được xác định tại chiến lược phát triển Đại học Đà Nẵng).
Ngoài ra, còn có các khu thể dục, thể thao và giáo dục quốc phòng; nghiên cứu - phát triển - ươm tạo; quảng trường, công viên cây xanh; ký túc xá sinh viên; nhà ở công vụ; đất giao thông, đầu mối hạ tầng kỹ thuật của toàn khu. Tại các khu chức năng còn bố trí quỹ đất cho giao thông nội bộ, sân bãi của từng dự án; quỹ đất thương mại dịch vụ (để huy động vốn đầu tư); đất dự trữ phát triển và khu vực hiện trạng giữ lại.
Ngoài việc nêu rõ tính chất khu vực được quy hoạch xây dựng Đại học Đà Nẵng là khu chức năng đặc thù, Chính phủ giao nhiệm vụ phải quy hoạch theo hướng đô thị thông minh, xanh, sử dụng năng lượng tái tạo phù hợp xu hướng công nghệ 4.0.
Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao bố trí vốn, phê duyệt dự toán lập quy hoạch và chỉ đạo Đại học Đà Nẵng lựa chọn đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch phân khu chức năng tỷ lệ 1/200, trong thời gian không quá 9 tháng, để trình Bộ Xây dựng thẩm định, Thủ tướng phê duyệt.
Chủ trương xây dựng làng đại học Đà Nẵng có từ năm 1997, với tham vọng là làng đại học lớn nhất miền Trung, tuy nhiên sau đó bế tắc. Tại buổi làm việc với Đại học Đà Nẵng tháng 2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện sự quyết liệt xóa quy hoạch treo bằng việc đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn để thực hiện.