Khối lập phương một thời 'hại não' cả thế giới

(PLVN) - Một bài toán đố cực kỳ hóc búa. Bởi vì, trò chơi lạ đời này có đến 43 tỷ tỷ hoán vị khác nhau, nhưng lại chỉ có một phép hoán vị là đúng. Vì sao một trò chơi khó đến như thế vẫn khiến hàng triệu người mê mẩn?
Trong một giải thi đấu Rubik.
Trong một giải thi đấu Rubik.

Người ta có Rubik loại bỏ túi (2x2x2), Rubik loại chuẩn (3x3x3), Rubik báo thù (4x4x4), hay Rubik giáo sư (5x5x5). Còn có Rubik tứ diện, bát diện hay 12 mặt. Rồi Rubik hình tháp Pyramide, Rubik in hình La Joconde. Và giờ đây với công nghệ phát triển, có cả Rubik ảo…

Muôn hình vạn trạng, khối lập phương Rubik tràn ngập các gian hàng đồ chơi, trong các sân trường, trên truyền hình và cả trong điện ảnh. Rubik làm người ta nghiện mà không thể nào cưỡng lại được.

Một bài báo đã từng viết: “Ernö Rubik đã sáng chế ra một món đồ khủng khiếp: Khối lập phương Rubik. Và trước khi làm “mục ủng” cuộc đời của hàng triệu người trong số chúng ta, khối lập phương quỷ quái này đã làm cho người chế tạo ra nó cũng phải khốn khổ”.

Đó là vào mùa xuân năm 1974, khi ấy Ernö Rubik, nhà điêu khắc và cũng là giảng viên về thiết kế, mới 29 tuổi. Trong một căn hộ tại Budapest, mà ông sống cùng với mẹ, Ernö Rubik đùa nghịch với những mẩu gỗ màu hình khối một cách ngẫu hứng, rồi ráp chúng lại với nhau bằng những sợi thun. Và thế là ông vừa chế tạo ra một trong những thứ đồ chơi nổi tiếng nhất thế giới: Khối lập phương Rubik.

Món đồ chơi gây nghiện sáu mặt sáu màu

Ngay khi được đưa vào thị trường châu Âu trong những năm 1980, Rubik đã nhanh chóng hút hàng như lời một phát thanh viên truyền hình thời ấy: “Từ một năm nay, Rubik đã chiếm lĩnh cả hành tinh. Ai cũng muốn chơi, muốn thử Rubik. Họ mê mẩn, lao vào mà chơi. Đấy thật sự là một chất gây nghiện có sáu mặt và sáu màu”.

Trong quyển tự truyện, Ernö Rubik nhớ lại: “Thật là tuyệt vời khi thấy các miếng gỗ màu xen lẫn với nhau một cách ngẫu nhiên chỉ sau vài vòng xoay. Tôi lấy làm thích thú nhìn thấy màu sắc được phô diễn như vậy”. Nhưng rồi ông tự hỏi: “Làm thế nào trở về với trạng thái ban đầu?”.

Một bài toán đố cực kỳ hóc búa. Bởi vì, trò chơi lạ đời này có đến 43 tỷ tỷ hoán vị khác nhau, nhưng lại chỉ có một phép hoán vị là đúng. Vì sao một trò chơi khó đến như thế vẫn khiến hàng triệu người mê mẩn?

Olivier Houdé, giáo sư tâm lý học, cho rằng nguyên nhân đầu tiên là đến từ cái đầu của chúng ta: “Bộ não con người lúc nào cũng có nhu cầu giải những bài toán hóc búa, thách đố, bởi vì con người chúng ta có một tiềm lực neurone to lớn, và Rubik nằm trong số những món đồ chơi có thể làm phát triển mọi năng lực nghiên cứu của bộ não”.  

Theo các nhà nghiên cứu tâm lý học, điểm đặc biệt của khối Rubik là trò chơi này huy động mọi thành phần não bộ cùng một lúc. Vùng thùy chẩm phụ trách về thị lực, thùy đỉnh chịu trách nhiệm biểu thị không gian, thùy thái dương cho phép phân loại các dạng màu và cuối cùng thùy trán trước được kích hoạt khi người ta đưa ra các quyết định.

“Khối Rubik thật sự có một thứ gì đó buộc não phải làm việc tốt. Nếu như bạn so sánh với trò chơi ô chữ, dĩ nhiên ô chữ cũng làm cho nhiều người thích nhưng không bằng. Bởi vì ô chữ chỉ là những từ, đó chỉ là trí nhớ về từ, những khái niệm, ngữ nghĩa, nhưng trò chơi này lại không vận dụng hết tất cả các phần não như là Rubik làm”.  

Rubik được sáng chế vào mùa xuân năm 1974
Rubik được sáng chế vào mùa xuân năm 1974

Như vậy, khối Rubik làm hài lòng các bộ não trên khắp thế giới. Nhưng điều đó cũng chưa đủ giải thích vì sao Rubik có một thành công lớn như vậy. Giáo sư Olivier Houdé phân tích tiếp: “Thêm vào đó, trò Rubik không chỉ đơn giản là một trò chơi cá nhân, đó còn là một sự thành công trong xã hội. Vì có những cuộc tranh tài, những người khác bị thu hút bởi việc có những người quá giỏi. Thế là điều đó đánh thức tất các vùng não của bạn về phần thưởng, về việc xã hội thừa nhận thành tích của bạn”. 

Rubik không cần thiên tài

Giáo sư Armand Hatchuel, thì lại cho rằng khối Rubik trở nên phổ biến là nhờ vào mẫu mã thiết kế: “Khối Rubik, cho dù người ta có không chơi đi chăng nữa, chỉ cần đặt nó trên bàn, món đồ này đã có một sự hiện hữu lạ thường. Người ta sẽ dễ dàng nhận ra ngay. Và tôi gọi đó là quy luật bắt buộc trong thiết kế. Tức là bạn phải vừa tạo ra một món đồ tương đối có bản sắc và độc đáo, nhưng đồng thời nó cũng phải được nhận ra ngay tức thì”.

Có thể nói, khối Rubik rất dễ được nhận dạng cả ở những người chơi nghiêm túc lẫn những ai không chơi Rubik. Điều này giải thích vì sao Rubik thường xuyên được sử dụng trên truyền hình và trong điện ảnh. Khi thì để mô tả những năm 1980, lúc thì để nói đến những nhân vật đặc biệt thông minh. Ví dụ ấn tượng nhất là trong bộ phim “Đi tìm hạnh phúc”, phát hành cuối năm 2006.

Nhân vật chính do diễn viên Will Smith thủ vai gần như có nguy cơ bị ra đường ở. Nhưng cuối cùng anh đã thuyết phục được ông chủ tương lai nhờ giải được khối Rubik trước sự chứng kiến của người này. Trong khi đây là lần đầu tiên nhân vật của Will Smith cầm đến khối Rubik.

Nhờ vào bộ phim này, số lượng khối Rubik bán ra trên thị trường vào thời điểm đó đang ở điểm chết bỗng nhiên tăng vọt. Chỉ riêng tại Pháp, trong khoảng thời gian 2006 - 2018, lượng khối Rubik bán ra tăng gấp 18 lần. Sự hiện diện của Rubik trong phim ảnh và quảng cáo còn làm gia tăng thêm nhu cầu chơi Rubik trên thế giới.

Hình ảnh trong bộ phim “Đi tìm hạnh phúc”
Hình ảnh trong bộ phim “Đi tìm hạnh phúc” 

Tuy nhiên có một điều ít ai biết đến đó là người ta không thể nào một mình giải Rubik. Theo nhìn nhận của ông Thierry Karpiel, chủ tịch Win Games, nhà phân phối Rubik’s Cube tại Pháp: “Không có phương pháp, bạn có thể mất đến vài thế kỷ”.

Trên thực tế, cho đến hiện nay, chỉ có Ernö Rubik là người duy nhất tự giải được bài toán đố này. Chỉ có điều ông phải giam mình trong phòng đến hơn một tháng mới tìm ra được lời giải. Phương pháp này của ông sau đó cũng được nhiều người hoàn thiện thêm nên mới có các phương pháp Fridrich (Jessica Fridrich), Petrus (Lars Petrus)…

Những giải pháp đó được truyền từ người chơi này sang người khác, để rồi dần hình thành một cộng đồng Rubik rộng lớn trên thế giới. Rồi internet ra đời, kỹ thuật giải được phát tán rộng rãi và nhanh hơn. Cộng đồng Rubik vì thế tăng nhanh với cấp số nhân.

Vẫn theo ông Thierry Karpiel, Rubik mê hoặc được nhiều người còn nhờ vào một đặc điểm khác: Không cần là thần đồng mới có thể giải bài toán khó này, nhất là vào thời buổi công nghệ tin học. Chỉ cần một chút kiên nhẫn, sự hiếu kỳ, mày mò luyện tập bạn vẫn có thể tự giải bài toán hóc búa này.

Số người chơi càng đông, kinh nghiệm được chia sẻ càng nhiều, thì các giải pháp càng thêm tinh tế, đồng thời thúc đẩy tính sáng tạo trong khi giải đố. Một đứa trẻ 9 tuổi như bé Sophie, bắt đầu chơi Rubik từ lúc 7 tuổi, đã có thể tự sáng tác cho mình một bài vè để nhớ được các đường đi nước bước, các hoán vị phức tạp sau cùng để hoán chuyển hai góc màu cuối cùng kết thúc trò chơi:

“Con cún bên phải cùng chủ đi lên miền ngược. Cún con ham vui bỏ chủ đi xa nửa vòng. Chủ buồn về lại miền xuôi, cún con hoảng sợ lui về nửa đường. Chủ lại quay lên miền ngược. Cún mừng gặp chủ, tung tăng đi về.

Con mèo bên trái theo chủ lội ngược miền trên. Mèo con mải chơi bỏ chủ đi xa nửa vòng. Chủ buồn lội về miền xuôi. Mèo con đi tiếp, chủ lại lội lên. Mèo con đi nữa, mừng gặp lại chủ, cả hai cùng về”.

Kể từ khi được lưu hành rộng rãi trên thị trường từ năm 1979, hơn 400 triệu khối Rubik đã được bán ra. Năm 1982, trong cuộc tranh tài quốc tế lần thứ nhất chỉ có 19 người tham gia. Ba mươi sáu năm sau, năm 2018, con số này là 45.000 người, tăng gấp 2.370 lần. Năm 1982, kỷ lục giải Rubik là gần 23 giây, thì kỷ lục năm 2019 là gần 4 giây. Còn bạn thì sao?.