Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; các bộ, ngành liên quan.
|
Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: H.Giang) |
Tại phiên họp, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, dự báo tốc độ đô thị hóa tiếp tục đẩy mạnh với số lượng đô thị tăng hơn 1,5 lần so với bình quân chung. Do vậy, việc quản lý phát triển đô thị và hệ thống đô thị rất cấp thiết. Tuy nhiên, thực trạng phát triển đô thị Việt Nam đang có 05 nhóm tồn tại, hạn chế lớn tác động đến sự phát triển bền vững, cần được tập trung khắc phục như:
Sự phân bố đô thị trong hệ thống đô thị Việt Nam còn thiếu tính liên kết, chưa phân cấp rõ nét, chưa phát huy được kết nối vùng trong hệ thống đô thị. Hệ thống kết cấu hạ tầng còn chưa thực sự đi trước một bước, thiếu đồng bộ. Hạ tầng các trung tâm đô thị lớn bị quá tải; tính liên kết còn yếu… Không gian ngầm được khai thác, sử dụng còn rất hạn chế, phát triển còn mang tính cục bộ chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị, chưa quản lý và khai thác hiệu quả, có hệ thống trong đô thị.
Việc tổ chức xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch còn yếu, không gắn với nguồn lực, còn dàn trải. Phát triển phình rộng đô thị còn phổ biến. Các khu vực dân cư cũ trong đô thị còn chậm được cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển, nhất là các khu vực có hạ tầng chưa đạt tiêu chuẩn, khu nhà ở lụp xụp, khu dân cư nghèo đô thị, các khu vực không phù hợp chức năng đô thị. Chưa phát huy được nguồn lực, sự tham gia của cộng đồng và cư dân đô thị.
Bên cạnh đó, năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý. Chưa đề cao vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương gắn với nâng cao năng lực, trình độ quản lý và phát huy sự tham gia, thực hiện của cộng đồng dân cư trong quản lý phát triển đô thị. Phân công trách nhiệm quản lý cần được rà soát, hoàn thiện…
Từ các cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới cho thấy, việc nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị là hết sức cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, định hướng, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, phát triển đô thị và hạ tầng đô thị, đồng thời tiếp thu các tiến bộ khoa học công nghệ, xu thế mới của thế giới, phát huy tiềm năng của các đô thị, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
|
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp (Ảnh: H.Giang) |
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá cao hồ sơ, nội dung dự án luật; đánh giá cao việc tiếp thu, giải trình ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo, những nội dung giải trình rất nghiêm túc, thỏa đáng. Đại diện các cơ quan liên quan khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc rà soát các quy định pháp luật liên quan, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn...
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định cũng như việc chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải nghiên cứu, thể hiện mạnh mẽ, đột phá hơn nữa trong việc kiến tạo, khuyến khích phát triển, khơi thông nguồn lực để phát triển các đô thị. Theo đó, cần bổ sung thêm các cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục lựa chọn để giải phóng nguồn lực về đầu tư. Cần xác định tính kiến tạo được chỉ đạo rất rõ tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Nghị quyết khác chính là một đột phá của dự án Luật này.
Về mô hình TOD, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho rằng mô hình TOD là một mô hình linh hoạt, việc đưa mô hình TOD vào dự án Luật Quản lý phát triển đô thị cũng chính là kiến tạo, khuyến khích phát triển. Qua đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định liên quan đến vấn đề này sao cho phù hợp; trong đó, cần xác định rõ mô hình TOD là gì và áp dụng đối với những trường hợp nào để tránh việc lạm dụng…