Khởi tố nhóm đối tượng "cò mồi" đấu giá tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Các trường hợp tham gia đấu giá nếu không đồng ý thì sử dụng đối tượng cò mồi, gây sức ép, đe dọa dẫn đến nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu đấu giá chân chính không dám đấu giá, bỏ cuộc.

Được sự phê chuẩn và tham gia phối hợp của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận, ngày 12/7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Thuận phối hợp Công an tỉnh Khánh Hòa thi hành Quyết định khởi tố bị can, khám xét chỗ ở đối với N.H.P (SN 1977, trú tại phường Phước Long, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” quy định tại Khoản 2 Điều 218 Bộ luật Hình sự.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Thuận cũng thi hành Quyết định khởi tố bị can, khám xét chỗ ở đối với N.N.L (SN 1971, trú tại phường Bảo An, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Cơ quan công an khám xét chỗ ở của các đối tượng

Cơ quan công an khám xét chỗ ở của các đối tượng

Trước đó, ngày 19/5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Thuận đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” xảy ra tại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Ninh Thuận.

Ngày 20/5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Thuận đã thi hành Quyết định khởi tố bị can, khám xét chỗ ở đối với bị can gồm: N.T.T (SN 1979), N.H.A (SN 1969, cùng trú tại phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) để cùng điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” quy định tại Khoản 2 Điều 218 Bộ luật Hình sự.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Thuận hành vi phạm tội của các đối tượng được xác định là hoạt động có tổ chức, trước và sau khi diễn ra phiên đấu giá đã có bàn bạc, thỏa thuận bên ngoài với các trường hợp tham gia đấu giá khác để phân công, ăn chia và nếu không đồng ý thì sử dụng đối tượng hình sự cò mồi, gây sức ép, đe dọa gây phức tạp tình hình an ninh trật tự, dẫn đến nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu đấu giá chân chính không dám đấu giá, bỏ cuộc, rút hồ sơ gây tâm lý hoang mang, bất đồng.

Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng chủ yếu là có sự “cấu kết”, “dàn xếp”, “thông đồng” giữa các đối tượng trong một nhóm hoạt động có tổ chức nhằm lợi dụng kẻ hở pháp luật để hoạt động “nâng giá”, “dìm giá” và luôn có sự cảnh giác, đối phó với cơ quan chức năng.

Hậu quả của việc vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản không chỉ thiệt hại lớn đến ngân sách Nhà nước, gây phức tạp hình hành an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân, tổ chức chức gây bất bình trong cộng đồng doanh nghiệp.

Đọc thêm