Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo Cục TDTT về công tác chuẩn bị của các vận động viên (VĐV) đã giành vé và các đội tuyển chuẩn bị lên đường tranh tài giành thêm vé tham dự Olympic Paris 2024, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội cho biết: “Trong số 6 tấm vé Olympic Paris 2024 mà Thể thao Việt Nam (TTVN) giành được tính đến thời điểm này thì có tới 4 VĐV đang tập huấn tại Trung tâm gồm: Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (môn Bắn súng), Võ Thị Kim Ánh (Boxing) và Trịnh Văn Vinh (Cử tạ).
Hiện vẫn còn nhiều VĐV khác tiếp tục nỗ lực tập luyện, đang và sắp lên đường thi đấu tại các giải đấu quốc tế lớn tìm cơ hội tích điểm, giành thêm vé cho TTVN tới đấu trường Olympic”.
Ông Hùng cho biết thêm, những điều kiện tốt nhất đang dành cho VĐV “săn vé” tới Olympic, từ vấn đề dinh dưỡng, sức khoẻ, ăn nghỉ… các bữa ăn chính và thực phẩm bổ sung được bảo đảm đầy đủ theo đúng quy định. Thực đơn được lên theo ngày, thay đổi món nhằm tạo cho VĐV những bữa ăn ngon miệng, bảo đảm dinh dưỡng. Công tác vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn của Trung tâm được kiểm tra, kiểm soát nghiêm túc nguồn nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, phòng nghỉ dành cho VĐV trọng điểm (nhóm VĐV hướng tới Olympic) được ưu tiên và bảo đảm mọi tiện nghi tốt nhất so với điều kiện cơ sở vật chất tại Trung tâm.
Nói về công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm thể lực cho các VĐV, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền - Trưởng phòng Y học thể thao TTHLTTQG Hà Nội nhấn mạnh: Ngay từ thời điểm có các chính sách ưu đãi đặc thù đối với các môn thể thao trọng điểm, các VĐV làm nhiệm vụ hướng đến đấu trường Olympic Paris 2024, tổ y tế tại Trung tâm đã lên kế hoạch cụ thể, phân bổ, điều động cán bộ, lực lượng y tế một cách khoa học, hợp lý nhất để luân phiên chăm sóc VĐV trước, trong và sau khi tập luyện.
Đối với đặc thù ở từng môn, tổ y tế sẽ có mặt vào những thời điểm phù hợp nhất, dựa trên các nhu cầu, đề xuất từ ban huấn luyện. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra đánh giá sức khỏe, chấn thương của VĐV, nếu những trường hợp chấn thương nặng sẽ được đưa lên tuyến trên điều trị kịp thời. Cùng với đó, hàng ngày thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở VĐV phải rất thận trọng trong việc sử dụng các thực phẩm bổ trợ, thuốc hàng ngày phải qua kiểm soát của y tế nhằm tránh liên quan đến các chất cấm trong thể thao (doping)”, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền cho biết. Vị này cũng khẳng định, ở thời điểm hiện tại, đội ngũ y tế bảo đảm đủ về yếu tố con người, cơ sở vật chất trước các yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho VĐV đang tập huấn tại đây.
Tại buổi làm việc lần này, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt đã lắng nghe và kịp thời điều chỉnh các vấn đề trong thẩm quyền về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị Olympic. Tuy nhiên, Cục trưởng Đặng Hà Việt khẳng định, để VĐV có được thành tích tốt thì cần sự phối hợp hài hòa từ nhiều phòng ban, đơn vị chuyên môn để cùng hướng về một mục tiêu vì sự phát triển ngày càng chuyên nghiệp, nâng cao thành tích TTVN tại các đấu trường châu lục và thế giới.
Mục tiêu giành thêm vé Olympic Paris đối với các VĐV Việt Nam vẫn còn đang ở phía trước và vẫn còn nhiều cơ hội, nếu VĐV quyết tâm, nỗ lực hết mình cộng với sự chuẩn bị chu đáo tốt nhất từ ban huấn luyện mỗi đội tuyển, các Trung tâm HLTTQG, đơn vị chuyên môn thì chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra tại sân chơi Olympic Paris 2024 và các sự kiện thể thao quốc tế lớn khác cùng diễn ra trong năm nay và những năm tiếp theo.
Cục trưởng Đặng Hà Việt nhấn mạnh rằng, việc cung cấp, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện dành cho VĐV, đặc biệt là những VĐV nằm trong nhóm thực hiện nhiệm vụ hướng đến Olympic Paris 2024 phải được bảo đảm đúng, trúng và đủ tới từng VĐV. Tránh tuyệt đối tình trạng khi VĐV đi thi đấu xong về mới được cấp dụng cụ tập luyện đúng tiêu chuẩn, theo yêu cầu đề xuất của ban huấn luyện và VĐV. Đây là điều tối kỵ và không được phép để xảy ra khi Trung tâm, bộ môn đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị rất cụ thể trước đó được bảo vệ từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024.