Các ứng dụng thực tế của trí tuệ nhân tạo rất lớn. Máy học và các công nghệ nhận diện hình ảnh - vốn là những lĩnh vực có thể phát triển nhờ trí tuệ nhân tạo - đang được sử dụng để đẩy nhanh việc phân tích hình ảnh trong y học nhằm phát hiện các khối u ung thư. Các công nghệ này cũng giúp cho hoạt động sản xuất trở nên hiệu quả, là nền tảng cho các loại xe tự lái…
Song, những phát triển gần đây của trí tuệ nhân tạo cũng đã dấy lên những lo ngại rằng robot có thể kiếm mất việc làm của con người. Nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới Hon Hai vào năm 2016 đã thay thế khoảng 60.000 nhân công bằng các robot.
Trong vòng 5 đến 10 năm tới, Công ty công nghệ Foxconn - công ty đang đảm nhận việc sản xuất các điện thoại iPhone của Apple và thiết bị cho nhiều thương hiệu công nghệ nổi tiếng khác - cũng đang có kế hoạch thay thế 80% lực lượng lao động của mình bằng các robot.
Hiện nay, Foxconn đang thuê khoảng 1,3 triệu người Trung Quốc ở đại lục. Nhiều ý kiến cho rằng sự gia tăng sử dụng trí tuệ nhân tạo và robot cuối cùng sẽ dẫn tới sự gián đoạn lớn hơn trong thị trường lao động, đặc biệt là các lao động không thể thích ứng được với những thay đổi trong tình hình mới.
Tuy nhiên, SCMP dẫn một báo cáo có tên Công nghệ kỹ thuật số và tăng trưởng toàn diện do Viện Luohan - một cơ sở nghiên cứu độc lập - công bố khẳng định không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy rằng số việc làm bị mất đi sẽ nhiều hơn số việc làm được tạo ra khi công nghệ phát triển.
Nhận định này được đưa ra dựa trên thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trên toàn cầu kể từ năm 1991 đến nay vẫn duy trì ở mức tương đối ổn định dù trong thời gian này lực lượng lao động trên toàn cầu đã tăng thêm 1,6 tỷ người.
“Robot và trí tuệ nhân tạo vẫn đang ở những giai đoạn đầu của sự phát triển và khả năng để chúng thay thế con người trong những hoạt động cần sự suy luận phức tạp vẫn là sự phỏng đoán”, báo cáo vừa được công bố cho biết.
Viện Luohan do ông Jack Ma - Giám đốc điều hành Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của Trung Quốc - thành lập hồi năm ngoái nhằm giải quyết những thách thức phổ quát mà các nước đang phải đối mặt do sự phát triển nhanh chóng của các kỹ thuật điện tử. Trong số các tác giả của báo cáo mới được Viện trên công bố có các học giả từ các cơ sở nghiên cứu nổi tiếng như Viện Công nghệ Massachusetts, Trường Kinh tế London và trường Đại học New York.
Các phát hiện được nêu trong báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy việc phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm đảm bảo tương lai của nước này trong cuộc cách mạng công nghiệp và kỹ thuật số tiếp theo. Theo liên đoàn Robotics quốc tế, Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng là thị trường lớn nhất trong các loại robot công nghiệp. Nước này cũng đang có tham vọng trở thành nước dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.
Năm 2018, hãng tư vấn PwC cũng đã công bố một báo cáo về tác động dài hạn của việc tự động hóa, theo đó cho biết những tiến bộ về kĩ thuật sẽ tạo ra những việc làm mới. Việc tự động hóa cũng sẽ dẫn tới việc tăng cường hiệu suất, thu nhập và tài sản cho con người.