Không có chuyện "khai tử" môn Lịch sử

(PLVN) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ như vậy khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại phiên họp chiều 9/6.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn tại phiên họp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn tại phiên họp.

Vẫn đảm bảo có môn Lịch sử

Là đại biểu đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) đề cập đến việc, những ngày vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và xã hội quan tâm có ý kiến khác nhau về thông tin môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực cho biết chỉ đạo cỉa Chính phủ về vấn đề này.

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, chủ trương của Đảng và Nhà nước về chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có môn lịch sử, rất cụ thể.

Phó Thủ tướng Thường trực nêu ví dụ, Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương ngày 14/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nêu rõ: Bảo đảm cho học sinh có trình độ THCScó tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.

Tiếp đó, Nghị quyết 88 của Quốc hội, Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định rất rõ là giáo dục phổ thông 12 năm gồm hai giai đoạn, là giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).

“Giáo dục cơ bản là bảo đảm cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, trong đó môn Lịch sử là môn bắt buộc còn giáo dục định hướng nghề nghiệp nhằm bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Vẫn theo Phó Thủ tướng Thường trực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 32 năm 2018 về Chương trình giáo dục phổ thông, theo đó, trong giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Lịch sử và Địa lý là môn học bắt buộc từ lớp 4 đến lớp 9 với tổng số lượng thời lượng là 560 tiết, trong đó môn Lịch sử chiếm 280 tiết.

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12, môn Lịch sử được bố trí là môn học trong tổ hợp khoa học xã hội.

“Như vậy môn Lịch sử được dạy ở tất cả các trường THPT, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có”, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh thông tin.

Về một số ý kiến cho rằng môn lịch sử là môn lựa chọn dẫn đến việc bỏ hoặc khai tử môn Lịch sử, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ:

“Thực tế không phải như vậy. Các môn Lịch sử được phân theo hai giai đoạn như vậy, vẫn đảm bảo có môn Lịch sử”.

Trước ý kiến của cử tri, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam liên quan đến chương trình giáo dục môn Lịch sử cấp THPT; tổ chức hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp, bảo đảm việc học môn Lịch sử và kiến thức về lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc được tăng cường, và luôn được chú trọng.

Tiếp tục phân cấp, phân quyền

Trả lời câu hỏi thứ 2 của đại biểu Quàng Thị Nguyệt về phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định, việc phân cấp nói chung và phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính nói riêng trong thời gian qua được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm và chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, trong đó có việc giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và đẩy mạnh phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực từ Trung ương cho đến địa phương.

“Ví dụ, trong tổng số 6.500 thủ tục hành chính, chỉ còn khoảng hơn 20% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương các cấp, còn lại thuộc thẩm quyền của các cơ quant Trung ương. Đây còn là con số còn lớn, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vấn đề cải cách thủ tục hành chính”, Phó Thủ tướng Thường trực dẫn chứng.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan nêu cao tinh thần chủ động, tích cực trong rà soát để đề xuất phân cấp, phân quyền hơn nữa.

“Ngay đầu năm 2022 Chính phủ đã tổ chức hội nghị của các bộ, ngành với tất cả các tỉnh thành về vấn đề phân cấp, phân quyền. Qua hội nghị đó đã có những biện pháp để đẩy mạnh nhanh hơn vấn đề phân cấp, phân quyền trong việc tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết thêm.

Đọc thêm