Không còn "ngộp thở" đến chợ Viềng, chỉ "ớn" giá gửi xe

Hàng chục nghìn du khách từ nhiều tỉnh thành trong cả nước hôm qua đổ về hai chợ Viềng, Nam Định. Dù lượng khách đông hơn các năm trước, nhưng chợ cầu may năm nay không có cảnh biển người chen lấn xô đẩy hàng chục cây số vì kẹt xe, tắc đường. Nhưng giá gửi xe vào chợ vẫn cao.

Hàng chục nghìn du khách từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đã đổ về hai chợ Viềng, Nam Định. Dù đón lượng khách đông hơn các năm trước, nhưng chợ cầu may năm nay không có cảnh biển người chen lấn xô đẩy hàng chục cây số vì kẹt xe, tắc đường.

Mua một cây xanh, mua hai cây... vàng

Dân gian có câu Chợ Viềng hai chợ, một phiên” nhưng thực tế Nam Định có tới bốn chợ Viềng (còn gọi là chợ cầu may). Trong đó, có hai chợ nổi tiếng hơn và lượng khách đông hơn (với hàng vạn người) là chợ Viềng (huyện Vụ Bản) và chợ Viềng (huyện Nam Trực). Cả hai chợ đều một năm họp có một phiên vào tối ngày 7 và ngày 8 tháng giêng âm lịch, đều bán các loại dụng cụ sản xuất, sản vật nông nghiệp, đồ đồng, đồ cũ, giống cây trồng và thịt bê thui.

Chợ Viềng Nam Trực “độc” ở các loại đồ cổ, giả cổ và cây cảnh đắt tiền hơn. Chợ Viềng Vụ Bản đông vui và được mọi người chen chân nhiều hơn bởi nằm gần quần thể Phủ Giầy thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Thượng Thiên) - một trong Tứ Thánh bất tử trong tín ngưỡng văn hóa dân gian người Việt.

Có thể nói, chợ Viềng là một trong những phiên chợ quê lâu đời và độc đáo nhất của Việt Nam. Nó không chỉ là một lễ hội văn hóa đặc sắc của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ mà còn là biểu tượng của nền văn hóa nông nghiệp.

Mua một cây xanh, 2 cây vàng
Mua một cây xanh, 2 cây vàng
Ngày nay, phiên chợ này còn có ý nghĩa về bảo vệ môi trường. Các cây giống giá chỉ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng nên ai cũng có thể mua được. Về tâm linh, đi chợ Viềng là để cầu may nên người nào đi chợ cũng mua may bằng cách mua một vài cây xanh về trồng ở nhà. Thế là du khách không có cảnh chỉ đi chơi chợ mà người nào cũng tay xách nách mang một vài cây xanh.

Về chợ Viềng, hẳn  nhiều người Vụ Bản còn thuộc câu ca dao:

Mồng một ăn Tết ở nhà

Mồng hai chơi điếm, mồng ba chơi đình

Mồng bốn chơi chợ Quả Linh

Mồng năm chợ Trình, mồng sáu chợ Gôi

Nghỉ ngày mồng bảy mà thôi

Ðến ngày mồng tám đi chơi chợ Viềng

Chợ Viềng năm có một phiên

Cái nón em đội, cũng tiền anh mua

Thực tế thì chợ Viềng bắt đầu khai hội, mở chợ vào tối ngày 7 tháng giêng âm lịch. Phiên chợ nửa đêm ấy còn gọi là chợ Âm phủ. Phiên chợ huyền bí này hút du khách nhất.

Năm nào cũng vậy, từ 21h đến 24h đêm mùng 7 tháng giêng, cả một đoạn dài trước phủ Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản lại diễn ra cảnh người chật như nêm cối. Người đi chợ ví von “có thấy bọc tiền rơi dưới chân cũng không thể cúi xuống nhặt”...

Với tín ngưỡng thờ Mẫu, người đi chợ Âm phủ cho rằng khiến việc đi chợ kết hợp với cúng bái, cầu may ở các đền, phủ sẽ đem lại may mắn và phát tài cả năm. Vì vậy, du khách mua một cây xanh cũng mua dăm bảy cành vàng, cây vàng mang vào Phủ Giầy lễ tạ Thánh Mẫu để cầu cả năm buôn may bán đắt, làm ăn phát tài phát lộc.

Hết khổ vì tắc đường, kẹt xe

Mọi năm, cảnh tắc đường kẹt xe luôn là nỗi kinh hoàng cho những người đi chợ cầu may. Hàng chục năm trước, phụ nữ còn mặc quần sa tanh, quần phíp. Nhiều người đi chơi chợ Viềng lúc về không còn quần mặc vì người chơi chợ quá đông, điện đóm không có, đường xá tối thui, có đoạn chân không còn ở dưới đất nữa, người nọ túm quần áo người kia mà dò dẫm trong đêm. Cái quần sa tanh mỏng mảnh nhiều người kéo đã bị tuột mất.

Trông xe dưới ruộng
Trông xe dưới ruộng
Rồi các năm sau đó, đường hẹp, người đông, đến chợ phải men theo đường ruộng mà đi nên nhiều người bước thấp bước cao đã ngã nhào xuống ruộng mới được bơm nước để chuẩn bị cấy, giữa những ngày xuân giá lạnh người ướt như chuột lột, rét run như cầy sấy.

Điều gây nhức nhối nhất ở chợ Viềng đôi  Nam  Định và các lễ hội đầu xuân này là nạn "chặt chém" của các bãi giữ xe.

Do lượng du khách quá đông nên các bãi gửi xe có đăng ký đều chật cứng. Các bãi gửi xe tự phát mọc ra như nấm, không kiểm soát được. Một số nơi, người dân còn tổ chức bãi trông xe ở... dưới ruộng.

Giá vé gửi xe tại chợ Viềng Phủ rất “chát”: 15.000 đồng/xe máy, 50.000-100.000 đồng/ô tô.
Khổ thế nhưng năm nào cũng phải đi chơi chợ. Những năm sau, đi chơi chợ du khách bị kẹt cứng giữa nghìn trùng xe cộ. Giữa rừng xe máy, ô tô dài hàng chục cây số, mò mẫm cả đêm cũng không đến được chợ và không ra khỏi chợ.

Năm nay, lượng du khách đông hơn mọi năm nhưng không có cảnh tắc đường, kẹt xe. Chợ Âm phủ đông như nêm cối cũng không tắc đường. Lý giải về điều này, một cán bộ cảnh sát giao thông Công an huyện Vụ Bản cho biết: Năm nay, với sự chỉ đạo của Công an tỉnh Nam Định, nhằm đảm bảo an toàn giao thông và tránh ách tắc giao thông tại hai chợ Viềng, một lãnh đạo công an tỉnh đã được giao trực tiếp chỉ huy hoạt động đảm bảo giao thông cho lễ hội.

Lãnh đạo Công an tỉnh và lãnh đạo các phòng ban của Công an tỉnh đều thức trắng đêm. Xe cứu hộ được đưa vào lễ hội. Chỉ riêng chợ Viềng Phủ đã có hơn 300 cán bộ, chiến sĩ công an làm công tác hướng dẫn, điều khiển giao thông. Lực lượng chứng năng làm nhiệm vụ chốt ở Quốc lộ 10, tỉnh lộ 61. Công an huyện Vụ Bản và Công an TP. Nam Định đảm nhiệm các Quốc lộ 56, 21. Các xe tải nặng, xe container các tuyến không được đi qua Quốc lộ 10 mà phải đi đường Quốc lộ 1.

Khi các bãi xe trong chợ Viềng và các phủ đã hết chỗ, xe ô tô bị cấm vào khu vực này. Do đó, xe ô tô của du khách được đỗ thành hàng dài gần chục km trên Quốc lộ 10. Với cách phân tuyến và kiểm soát, chốt chặn ngay từ các quốc lộ của cảnh sát giao thông đã đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vui chơi lễ hội.

Tối 14 tháng giêng âm lịch này, tại khu vực Đền Trần Nam Định sẽ diễn ra Lễ khai ấn đầu năm. Lễ hội này cũng thu hút hàng chục nghìn người tham dự. Hy vọng rằng tình trạng kẹt xe, tắc đường sẽ không diễn ra.

Lam Hạnh