Bước vào năm học 2010-2011, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn các Sở GD&DT trên toàn quốc thực hiện một số nhiệm vụ giáo dục tiểu học, trong đó yêu cầu các trường tiểu học phải đảm bảo không tổ chức dạy học quá 7 tiết/ngày.
Khuyến khích học bán trú
Trước tiên, Bộ GD&DT yêu cầu đối với các trường, lớp dạy học 1 buổi/ngày, ngoài giờ lên lớp cần thực hiện tích hợp vào các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thủ công/Kĩ thuật (4 tiết/tháng), theo hướng dạy học phù hợp điều kiện thực tế địa phương và nhà trường. Các trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày, hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày.
Đối với những vùng khó khăn, vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhằm tăng thêm thời lượng học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học, chủ yếu để củng cố kiến thức, kĩ năng môn Tiếng Việt, Toán hoặc tăng cường tiếng Việt.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tiểu học tổ chức bán trú cho học sinh. Ở những vùng dân tộc, miền núi cần nhân rộng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú với sự kết hợp đầu tư từ ngân sách, sự đóng góp của gia đình và sự hỗ trợ từ các lực lượng xã hội. Theo đó, nhà trường cần tăng cường kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khoẻ học sinh.
Cần bồi dưỡng năng khiếu
Ở thị xã, thành phố, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, thì ngoài việc củng cố, ôn luyện kiến thức, kĩ năng cần tăng thời lượng cho việc bồi dưỡng học sinh có năng khiếu; tổ chức hoạt động ngoại khoá, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp..., nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
Về triển khai Đề án dạy học ngoại ngữ, các trường tiểu học được chọn thí điểm chương trình Tiếng Anh tiểu học mới của Bộ với thời lượng 4 tiết/tuần, thực hiện hiệu quả các yêu cầu đặt ra, nghiêm túc rút kinh nghiệm cho việc triển khai đại trà.
Thực hiện dạy học ngoại ngữ tự chọn từ lớp 3, thời lượng 2 tiết/tuần, hoặc nhiều hơn 2 tiết/tuần; khuyến khích triển khai các chương trình tiếng Anh tăng cường và làm quen tiếng Anh bắt đầu từ lớp 1 ở những nơi có điều kiện và có nhu cầu của học sinh.
Cấp sách giáo khoa miễn phí
Bộ GD&ĐT còn yêu cầu, các Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm túc chủ trương cấp sách giáo khoa, không thu tiền đối với học sinh ở địa bàn đặc biệt khó khăn, học sinh là con liệt sỹ, con thương binh; các trường tiểu học xây dựng tủ sách dùng chung; bảo đảm vào năm học mới tất cả học sinh đều có sách giáo khoa để học tập. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm về việc sử dụng sách tham khảo trong nhà trường.
Giáo viên cần hướng dẫn sử dụng sách, vở hàng ngày để học sinh không phải mang theo nhiều sách, vở khi tới trường. Những trường dạy học 2 buổi/ngày có thể tổ chức cho học sinh để sách, vở và đồ dùng học tập tại lớp.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT còn đặc biệt lưu ý về thời lượng học tập, các trường tiểu học phải đảm bảo không tổ chức dạy học quá 7 tiết/ngày./.
Trọng Anh