Sáng nay (28/12), trao đổi về tình hình Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo (Dự án 600), ông Vũ Đăng Minh – Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Dự án khẳng định đã có đủ cơ chế, chính sách để “không bạn nào hoàn thành nhiệm vụ mà phải về tay không”.
Ông Vũ Đăng Minh – Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Dự án 600 |
Bố trí biên chế cho các đội viên hoàn thành nhiệm vụ
Dự án 600 sắp kết thúc vào 30/6/2017. Vậy mô hình tăng cường trí thức trẻ về địa phương như vậy có tiếp tục được triển khai không, thưa ông?
- Hiện đang hướng dẫn các địa phương tổng kết dự án và BNV sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức tổng kết dự án vào tháng 8,9/2017 trên cơ sở tổng kết của 20 tỉnh để đánh giá toàn bộ dự án, những cái được và chưa được để tiếp tục tham mưu, đề xuất phương hướng tiếp theo.
Chính phủ cũng đã giao Bộ Nội vụ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để hỗ trợ các bạn đội viên trong Dự án 600 để phát triển cao hơn về công việc hoặc trong các dự án phát triển kinh tế, giúp họ tham mưu cho chính quyền tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Như vậy, với 5 năm tham gia Dự án là kinh nghiệm thực tiễn cộng với những kiến thức mới về khoa học công nghệ được bồi dưỡng, các đội viên sẽ phát huy được nhiều năng lực hơn nữa.
Nhiều Bí thư, Chủ tịch xã từng chia sẻ “nếu kết thúc dự án mà các em ấy (các đội viên dự án – PV) mà rút thì tiếc lắm. Chúng tôi chỉ mong các em ở lại một thời gian nữa, ít nhất là 2-3 năm nữa để tiếp tục giúp địa phương và có thể cũng có cơ hội thể hiện năng lực cho đóng góp sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương”.
Chính phủ đã giải quyết vấn đề biên chế cho các địa phương như thế nào để bố trí cho các đội viên của dự án sau khi kết thúc?
- Ngày 29/4/2016, Bộ Chính trị đã có kết luận và thông báo 06 về giải pháp biên chế để bố trí công việc cho các đội viên của Dự án. Theo đó, nếu các địa phương còn biên chế thì bố trí; hoặc tinh giản biên chế theo nguyên tắc “ra 2 vào 1” thì ưu tiên các đội viên dự án;
Nếu 2 giải pháp trên không thực hiện được thì các địa phương phải có phương án bố trí cụ thể (vị trí nào, làm việc gì) trong bộ máy, gửi Bộ Nội vụ để báo cáo xin bổ sung biên chế cho các huyện làm cơ sở để bố trí công việc cho các đội viên dự án.
Tóm lại, Bộ Chính trị đã cho phương án để “không để bạn nào hoàn thành nhiệm vụ mà phải về tay không”.
Những bạn không hoàn thành nhiệm vụ sẽ giải quyết như thế nào?
- Số không hoàn thành nhiệm vụ không nhiều, chủ yếu do không đủ năng lực lãnh đạo, quản lý nhưng vẫn có thể làm chuyên môn tốt với vai trò một công chức. Nghĩa là vẫn có cơ hội để các bạn này tiếp tục công tác tại địa phương nếu có nhu cầu.
Đưa về cơ sở mà không có chức danh thì không làm được việc
Theo ông khó khăn chung của các đội viên Dự án 600 và Đề án 500 này là gì?
- Ngoài những khó khăn về địa hình, thời tiết, điều kiện kinh tế - xã hội tại các địa phương triển khai Dự án, Đề án thì khó khăn hơn là vấn đề tư duy, nhận thức, tư duy của người dân về phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện bà con ở nhiều vùng vẫn giữ tư duy “có ăn là được”, chứ không nghĩ đến việc chắt chiu, đầu tư, phát triển sản xuất nên các đội viên cần phải tuyên truyền, vận động nhiều hơn để bà con hiểu, thay đổi tư duy, góp phần vào những nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các đội viên Dự án 600 tham gia lao động sản xuất cùng người dân |
Qua việc triển khai Dự án 600 (và cả Đề án 500 Đề án 500 trí thực trẻ tình nguyện về tham gia phát triển kinh tế miền núi), Bộ Nội vụ có ý tưởng đề xuất cơ chế yêu cầu trí thức trẻ về công tác tại cơ sở trước khi được tuyển dụng tại T.Ư?
- Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nhưng cần cơ chế để “có chỗ trống cho người ta vào” chứ đưa về mà không có chức danh thì làm sao làm được việc? Muốn vậy thì có thể phải sửa luật (Luật Chính quyền địa phương hoặc Luật Cán bộ, công chức).
Hiện nhiều địa phương đã học tập mô hình này, đưa cán bộ về xã công tác làm Phó Chủ tịch để rèn luyện trước khi về bổ nhiệm các vị trí ở các cơ quan cấp huyện.
Như vậy, nếu sinh viên mới ra trường hoặc công chức sau khi được tuyển dụng có ít nhất 3 năm công tác tại địa phương (từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh) thì sẽ có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
Sau đó có thể luân chuyển giữa các Bộ, các đơn vị trong cơ quan thì sẽ có một công chức độc lập, chủ động tham mưu, đề xuất chứ không phải “cầm tay chỉ việc”, không hiểu địa phương làm gì mà “cứ phán lung tung”. Nếu được như vậy thì rất tốt.
Trên cơ sở kết quả triển khai Dự án 600 và Đề án 500 này, chúng tôi cũng đã có ý tưởng sau khi tổng kết Dự án và Đề án trên thì sẽ lập Đề án mới đề xuất về cơ chế như vậy.
Đến nay, qua đánh giá của các địa phương triển khai Dự án, có đến 95,5% đội viên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó 31,3% được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hiện đã có hơn 20 đội viên Dự án được làm công tác trên huyện, có đọi viên đã được bổ nhiệm trưởng phòng cấp huyện và có khoảng 50 bạn được đảm nhiệm vị trí Chủ tịch UBND xã, nhiều bạn sang làm phó chủ tịch xã theo biên chế của nghị định 92 và một số làm việc tại các cơ quan chuyên môn của Đảng, tổ chức chính trị xã hội tại địa phương và một số công việc khác theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức.