Không để dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh chờ cát

(PLVN) - Chiều 24/6, tại Bến Tre, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương về giải quyết nguồn vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu không để thiếu cát cho dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu không để thiếu cát cho dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: VGP)

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và một số địa phương, nhu cầu cát san lấp, đắp nền đường cho 5 dự án đường cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) khoảng 63 triệu m3, hiện còn thiếu 24,4 triệu m3 chưa xác định được.

Dự kiến nguồn cát sông và cát thu hồi từ các dự án nạo vét khơi thông luồng sông (khoảng 66 triệu m3) sẽ đủ bảo đảm cho nhu cầu của các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ TN&MT, tỉnh An Giang, Bến Tre đã thảo luận, làm rõ trình tự, thủ tục “cho vay”, “hoàn trả” nguồn cát san lấp từ dự án cao tốc này sang dự án cao tốc khác; điều chỉnh quy hoạch khai thác cát trên địa bàn; căn cứ pháp lý để nâng công suất khai thác mỏ cát; thẩm quyền, điều kiện áp dụng cơ chế đặc thù hoặc quyết định đấu giá hay không đấu giá mỏ cát...

Tuy nhiên, việc triển khai thủ tục cấp phép và khai thác các mỏ cát chưa có chuyển biến rõ nét. Đây là trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và nhà thầu cũng như trách nhiệm của UBND các địa phương có nguồn cát san lấp.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cũng thông tin thêm về nguyên nhân gây nhiễm mặn một số diện tích lúa ven tuyến cao tốc Hậu Giang - Cà Mau chạy qua xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Theo đó, vật liệu san lấp của đoạn đường này sử dụng cát sông. Tuy nhiên, trong thời gian thi công tuyến đường, các hoạt động đào, đắp đã khiến mặn xâm nhập vào ruộng lúa khi độ mặn tăng cao ở khu vực này.

Sau khi nghe các địa phương báo cáo về việc cung cấp nguồn cát san lấp cho dự án đường Vành đai 3 TP HCM vốn đang rất khó khăn, phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT, Bộ TN&MT cùng TP HCM trực tiếp đến làm việc với các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng... để cung cấp sớm nhất nguồn cát san lấp cho dự án đường Vành đai 3 TP HCM.

Bộ GTVT sớm hướng dẫn cụ thể, rõ ràng (phạm vi, điều kiện, các yêu cầu kỹ thuật, tổ chức thi công...) cho các địa phương, chủ đầu tư các dự án, nhà thầu thi công việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho dự án đường Vành đai 3 TP HCM.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải rất rõ trách nhiệm, không được để chậm tiến độ các dự án giao thông trọng điểm của quốc gia. Đồng thời, giao Bộ GTVT phải khẩn trương hướng dẫn chi tiết việc điều tiết các mỏ cát “cho vay”, “hoàn trả” để đáp ứng tiến độ các dự án cao tốc, không làm thay đổi tổng nguồn cát đã phân bổ cho các địa phương. Các nhà thầu phải cập nhật đầy đủ hồ sơ khảo sát xây dựng để bổ sung những mỏ cát “cho vay”, “hoàn trả”.

Bộ TN&MT lập các tổ công tác hướng dẫn Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang trình tự thủ tục về nâng công suất khai thác, quyết định thủ tục đầu tư, cấp phép khai thác lại mỏ cát sông; hoàn thành việc giao khu vực biển cho nhà thầu khai thác cát biển ở tỉnh Sóc Trăng theo đúng thời hạn.

Bộ GTVT chính thức có văn bản công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về cơ lý, công nghệ, vật liệu đi kèm... khi sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, làm căn cứ cho các địa phương thực hiện. Trong tình huống các khó khăn, vướng mắc về ngồn cát san lấp được giải quyết, Bộ GTVT phải điều chỉnh, cập nhật và báo cáo tiến độ các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Đọc thêm