Không để những cá nhân, tổ chức có cơ hội vi phạm về sở hữu trí tuệ

(PLVN) - Vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm là phải đảm bảo quy định sở hữu trí tuệ chặt chẽ, rõ ràng, để những cá nhân, tổ chức không còn cơ hội vi phạm.
Quang cảnh môt phiên làm việc tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII.
Quang cảnh môt phiên làm việc tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII.

Họp phiên toàn thể chiều nay (26/10), Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất cao với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trên cơ sở kế thừa những ưu điểm, khắc phục điểm hạn chế và bổ sung các điều, khoản phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

Phát biểu thảo luận, các Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai), Dương Tuấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị vẫn giữ quy định của Luật hiện hành về áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, cần bổ sung chế tài liên quan đến việc chậm xử lý cấp bằng bảo hộ, bảo vệ quyền sở hữu.

Theo Đại biểu Quốc hội Dương Bình Phú (Đoàn Phú Yên), cần có một chính sách mới được quy định cụ thể trong Luật Sở hữu trí tuệ về việc Nhà nước trực tiếp giao sở hữu một số đối tượng quyền tác giả là kết quả nghiên cứu từ kinh phí nhà nước cho tổ chức nghiên cứu, để các đối tượng này dễ dàng được khai thác và thương mại hóa.

Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung chính sách đặc thù về quyền tác giả, góp phần tạo điều kiện phát triển hai lĩnh vực về công nghệ thông tin và công nghiệp văn hóa một cách dễ dàng, thuận lợi, có tính định hướng cao hơn. Ngoài ra, cần bổ sung chính sách rõ ràng về các đối tượng quyền tác giả đã được tạo ra trước khi thực hiện chính sách “đổi mới”.

Trao đổi bên lề Kỳ họp, Đại biểu Phan Xuân Dũng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) cho rằng, các quy định pháp luật lần này của Luật Sở hữu trí tuệ không sửa nhiều, nhưng vấn đề các đại biểu quan tâm là phải đảm bảo quy định sở hữu trí tuệ chặt chẽ, rõ ràng, để những cá nhân, tổ chức không còn cơ hội vi phạm.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay.

Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 2 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm chính sách.

Đọc thêm