Không được dùng ngân sách để xử lý nợ xấu

(PLO) - Góp ý kiến thảo luận Nghị quyết xử lý nợ xấu, nhiều ĐBQH đã đề nghị không được dùng ngân sách để xử lý nợ xấu
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) trong phiên thảo luận góp ý Nghị quyết xử lý nợ xấu
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) trong phiên thảo luận góp ý Nghị quyết xử lý nợ xấu

ĐB Đoàn Hồng Phong (Nam Định) đặt câu hỏi: Dân gian nói nợ xấu là cục máu đông. Nợ xấu đang ở mức nào? Những con số về nợ xấu thực tế đã đúng chưa? 

ĐB nhìn lại quá trình 4 năm về trước, Chính phủ đã quyết định cho phép xây dựng đề án xử lý nợ xấu và thành lập công ty xử lý nợ xấu – công ty mua bán nợ. CÔng ty này đang được cho là hoạt động có hiệu quả. Cho đến nay, mục  tiêu Chính phủ đưa  ra vẫn là cần phải xử lý “dứt điểm nợ xấu”. “Tôi nghĩ chỉ có thể xử lý cơ bản, không thể dứt điểm. Đã cho vay là có nợ xấu" – ĐB nói. 

ĐB nhận định thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo xử lý nợ xấu. ĐB thống nhất cao với việc ban hành nghị quyết xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, theo ông phải có một số nguyên tắc không thể xem nhẹ.

Nguyên tắc thứ nhất là phải quy định mốc giới cụ thể cho những món nợ được điều chỉnh bởi Nghị quyết. Thứ 2, Nghị quyết phải tuân thủ rất nghiêm các luật liên quan như Luật Ngân sách NN, Luật Tố tụng hình sự Tố tụng dân sự, Thi hành án, Đấu giá… Thứ 3 là phải ra quyết định xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra nợ xấu như thế, một cách thật nghiêm minh, đảm bảo răn đe, ngăn chặn.

Nghị quyết cũng cần có quy định, nhưng không nên tạo tiền lệ, để lại phải ban hành tiếp nghị quyết dạng này. Đặc biệt, ĐB nhấn mạnh nguyên tắc thứ: Xử lý nợ xấu không được dùng ngân sách. 

“Đây là vấn đề quan trọng. Không cẩn thận chúng ta lại biến ngân sách thành tiền cho các tổ chức tín dụng. Ví dụ câu chuyện hiện nay nhiều người đang băn khoăn, đó là việc mua ngân hàng 0 đồng. Câu hỏi đặt ra là tổng dư nợ cho vay, tổng phải trả, tài sản đảm bảo của ngân hàng đó là bao nhiêu, liệu có ở mức 0 hay âm?. Nếu mà âm thì một doanh nghiệp, tổ chức nhà nước bỏ tiền ra mua, thì đó đã là tiền Ngân sách nhà nước trong đó” – ĐB nói. 

Về vấn đề này, ĐB yêu cầu Nghị quyết phải đưa thẳng vấn đề, không lập lờ. 

“Một số quy định như miễn phí thi hành án, chi tiền đảm bảo an ninh trật tự, kê khai tịch biên tài sản… như vậy là đã có gián tiếp hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Chỉ gián tiếp như vậy là quá đủ, không thể lấy tiền ngân sách để trực tiếp giải quyết nợ xấu”, ĐB nhấn mạnh. 

ĐB Nguyễn Văn Sơn.(Hà Tĩnh) chung quan điểm. Ông đề nghị không được dùng tiền ngân sách để hỗ trợ trực tiếp vấn đề này. “Cơ chế gì cũng được, nhưng không được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền trực tiếp từ ngân sách.” – ĐB nói.

ĐB gợi ý để giải quyết nợ cấu là sự đồng lòng chung sức của nhiều cơ quan ban ngành. Từ thực tế công việc của mình, ông cho biết khi làm công tác chính quyền ở một địa phương, ông từng giúp đỡ để phục hồi một ngân hàng yếu kém thành ngân hàng mạnh. "Tôi đã từng làm một ngân hàng từ yếu kém thành ngân hàng phát triển. Ngân hàng lành mạnh, tạo điều kiện phát triển cho địa phương. Tôi đồng tình các bộ ngành cần hỗ trợ. Ví dụ Bộ rài nguyên môi trường cần điều chỉnh, các hệ thống cơ quan pháp luật cần vào cuộc gấp.

Thi hành án cũng rất khó khăn, tòa án cũng khó khăn khi gặp những vụ nợ xấu. Cần cải cách hành chính trong vụ này.  Đừng nghĩ là nợ ngân hàng nữa, mà là lợi ích của nhà nước, phục vụ nhân dân” – ông nói. 

ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng nhất trí phải bổ sung vào Nghị quyết Quốc hội quy định cụ thể: Không được dùng ngân sách xử lý nợ xấu. “Đây là nguyên tắc cần được ghi rõ trong nghị quyết.” ĐB Tuyết nói. 

ĐB Trần Quang Chiểu cũng có ý kiến: Dứt khoát không lấy ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Kể cả chính phủ bảo lãnh cũng không dùng ngân sách. Vậy phải đưa vào Điều 3 là nguyên tắc không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.

Đọc thêm