Không hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp nhỏ, làm sao có doanh nghiệp lớn?

(PLO) - Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế (QLT) doanh nghiệp (DN) lớn, Tổng cục Thuế, Vụ QLT DN lớn đang quản lý thuế khoảng 500 DN, mở rộng tầm nhìn thêm 500 DN nữa là 1.000 DN. Số thu của 1.000 DN này bằng khoảng 1/2 số thu của cả nền kinh tế. Do vậy, nếu không có chính sách hỗ trợ DN nhỏ, trong đó có hỗ trợ về thuế thì không thể có DN lớn…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp

Tại hội thảo “Các giải pháp và chính sách thuế hỗ trợ DN phát triển và đẩy mạnh hội nhập” do Tạp chí Tài chính tổ chức mới đây, Vụ trưởng Vụ QLT  DN lớn, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, để hỗ trợ DN, Chính phủ hiện đang có 3 Nghị quyết lớn. Đó là Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử; Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014, 2015, 2016, 2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, định hướng đến năm 2020.

Theo ông Phụng, những Nghị quyết này đã quy định những nhiệm vụ khá cụ thể dành cho Bộ Tài chính. Từ đó, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp khá cụ thể để cải cách thể chế, chính sách, thủ tục hành chính với những ứng dụng về công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế và thực hiện công khai minh bạch các thủ tục hành chính thuế…

“Những nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính mang lại nhiều lợi ích, tiết giảm chi phí cho người dân và DN. Trong đó, việc nhiều năm liền giữ vững vị trí hàng đầu trong Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Chính phủ phần nào phản ánh được tinh thần và sự quyết liệt của ngành Tài chính…”, ông Đỗ Văn Hải, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính khẳng định.

Hỗ trợ để doanh nghiệp “lớn”…

Theo ông Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, thời gian qua, nhất là từ năm 2011 đến nay, Chính phủ, Bộ Tài chính rất nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để DN có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh thông qua giảm tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước (NSNN). Theo đó, thuế suất thuế thu nhập DN (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được cập nhật, sửa đổi kịp thời theo hướng giảm thuế suất, tăng cường ưu đãi thông qua miễn thuế; gia hạn nộp thuế và các khoản thu NSNN...

Ngoài các chính sách miễn, giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, danh mục nhóm hàng hóa có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng cũng được bổ sung đối với nguyên vật liệu, linh kiện, bộ phận phụ trợ để sản xuất các sản phẩm công nghệ. Các chính sách cũng chú trọng ưu đãi thuế cho các DN nhỏ và vừa, DN có dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp; DN cũng được hỗ trợ mặt bằng sản xuất thông qua các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất cho DN; DN cũng đươc hỗ trợ để kích cầu tiêu dùng trong nước và thu hút nhân lực chất lượng cao…

Dẫn chứng cụ thể, Vụ trưởng Vụ QLT DN lớn cho hay, với việc  Bộ Tài chính ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi 7 thông tư đã đơn giản hoá mẫu biểu, tờ khai thuế GTGT giúp DN không phải gửi cơ quan Thuế nhiều mẫu biểu; thu hẹp sự khác biệt giữa kế toán và thuế; bỏ tờ khai thuế TNDN tạm tính theo quý.

Hay như việc nâng  mức doanh thu để khai thuế GTGT theo quý từ 20 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng. Nhờ quy định này, mỗi năm DN giảm từ 12 xuống còn 4 lần khai thuế GTGT, nhất là với DN vừa và nhỏ. Từ đó, năm 2014, số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế giảm được 290 giờ, giảm được 8 lần khai thuế GTGT và 4 lần khai thuế TNDN tạm tính quý. 

“Đây là một nỗ lực lớn của Bộ Tài chính. Và với những sự hỗ trợ thiết thực này sẽ giúp cho DN nhỏ lớn dần lên…” - Vụ trưởng Vụ QLT DN lớn, ông Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh.

Không có sự chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra thuế

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, sau khi loại trừ số DN nằm trong diện tranh tra của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính, số DN còn lại sẽ do máy chọn theo tiêu chí. Với số DN này sẽ có sự phân cấp, DN nào Tổng cục Thuế thanh tra, DN nào Cục Thuế thanh tra. Nguyên tắc là phải Thông báo ngay từ đầu năm và Tổng cục Thuế cũng công bố công khai danh sách DN thuộc đối tượng thanh tra của Tổng cục, Cục và cả Chi cục... Do vậy, không có sự chồng chéo về cùng một nội dung thanh tra đối với 1 DN.

Ông Phụng cũng cho biết, hiện DN có 9 nghĩa vụ nhưng có 10 quyền, trong đó có quyền khai bổ sung, khai điều chính trước khi cơ quan thuế công bố kết quả. Sửa đổi này giúp cho DN không bị quy vào hành vi trốn thuế, không bị phạt vì hành vi khai sai mà chỉ bị phạt chậm nộp…

Đọc thêm