Không khuyến khích nhập hàng xa xỉ

  Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, đó là biện pháp nhằm nỗ lực kiềm chế lạm phát. Để hạn chế tình trạng nhập siêu trong thời gian tới, ông Biên cho hay:

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, đó là biện pháp nhằm nỗ lực kiềm chế lạm phát. Để hạn chế tình trạng nhập siêu trong thời gian tới, ông Biên cho hay:
 
Bộ Công Thương đang triển khai nhiều biện pháp hạn chế nhập siêu, như ban hành Quyết định số 1380/QĐ-BCT về danh mục các mặt hàng Nhà nước không khuyến khích nhập khẩu. Theo đó, kể từ ngày 25/3 các mặt hàng sữa, kem chưa cô đặc/cô đặc, bơ... và hàng ô tô, các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người, không khuyến khích nhập ô tô chơi golf, xe có dung tích xi lanh dưới 1.800 cc, xe từ 2.000 cc tới dưới 2.500 cc, xe từ 2.500 cc trở lên… Không khuyến khích nhập khẩu các mặt hàng động vật sống, thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ, cá và động vật giáp xác, sữa và sản phẩm từ sữa, trứng gia cầm, mỡ, dầu động vật hoặc thực vật, rau và các loại rau củ quả…

Nhập siêu 3 tháng đầu năm đã lên tới trên 3 tỷ đô la, đạt gần sát nút chỉ tiêu của Chính phủ, trong đó mặt hàng xa xỉ chiếm đến 1,3 tỷ đô la. Thứ trưởng nhận định sao về điều này?

So với các năm từ 2007 đến năm 2010, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO thì con số nhập siêu rất cao. Chúng ta đã đưa ra giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu và trong quý I, tỷ lệ nhập siêu là 15,7%. Theo tôi, đây là mức thấp nhất, đạt ngưỡng tương đối an toàn đối với cán cân thương mại và thanh toán của Việt Nam. Trong khi các năm trước tỷ lệ này đã có lúc lên đến 28%, cá biệt có năm 2010 là dưới 18%.

Chúng ta đạt được mục tiêu nhập siêu dưới 16% theo Nghị quyết 11, tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhập khẩu, nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng rất khó cạnh tranh với hàng nước ngoài. Nếu chúng ta xiết quá đột ngột thì sẽ thì gây tắc nghẽn hoạt động kinh tế trên mọi phương diện. Do đó, việc điều hành xuất nhập khẩu và kiềm chế nhập siêu phải  thận trọng, tính toán làm sao để giảm thiểu rủi ro.

Có ý kiến cho rằng, điện thoại di động và máy tính xách tay là hai mặt hàng thông dụng phổ biến, không nên xếp vào mặt hàng xa xỉ hạn chế nhập khẩu. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào, thưa ông?

Việt Nam đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, trong đó đưa ra giải pháp hạn chế nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Điện thoại di động đang trong lộ trình miễn thuế 0%. Hiện nay thị trường di động, máy tính xách tay Việt Nam không thiếu. Người tiêu dùng hiện có dấu hiệu chạy theo thị hiếu điện thoại đắt tiền. Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép tự động đối với mặt hàng này và chủ trương là không khuyến khích nhập khẩu hàng xa xỉ đắt tiền.

Nhiều người lo ngại, hàng Trung Quốc đang ồ ạt vào Việt Nam là tác nhân không nhỏ gây ra tỷ lệ nhập siêu cao, Bộ Công Thương nghĩ sao về điều này?

Quý I, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 60%, nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ tăng 25%. Chúng ta đã tận dụng giấy chứng nhận ưu đãi các mặt hàng được miễn hoặc giảm thuế mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Tôi cho rằng, nếu Việt Nam duy trì mức tăng trưởng này thì sẽ hạn chế được nhập siêu từ Trung Quốc.

Bước sang quý II, nhận định của Thứ trưởng về hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới sẽ như thế nào?

Tôi nghĩ có những yếu tố sẽ tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới, và cụ thể là ngay trong quý 2 như lãi suất, yếu kém hạ tầng, phí giao dịch sẽ tác động đên sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường xuất khẩu.

Những khó khăn phải từ từ giải quyết đồng bộ, chứ không nên nóng vội, muốn thực hiện tốt trong hoạt động xuất nhập khẩu thì doanh nghiệp không chỉ nên chờ sự tác động của cơ quan nhà nước mà bản thân họ và hiệp hội phải tự mình tìm ra những vấn đề hạn chế, vướng mắc để đưa ra giải pháp kiến nghị.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Ngân Lan (thực hiện)

Đọc thêm