“Không nên cấm công chức uống rượu bia giờ nghỉ trưa”

Theo GS.Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, mọi chuyện cấm đoán phải có căn cứ khoa học, ngoài giờ làm việc thì mọi cán bộ, công chức đều là công dân. Họ chịu sự ràng buộc của pháp luật dân sự chứ không phải của thủ trưởng cơ quan. Tuy nhiên, chuyện uống rượu bia dưới ngưỡng an toàn về sức khỏe và về giao thông thì lại là chuyện khác, một chuyện mà mọi người cần hiểu rõ để tự bảo vệ mình và bảo vệ an toàn cho người khác.

Mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chấp thuận kiến nghị “cấm cán bố công chức uống rượu bia giờ nghỉ trưa” để kiềm chế TNGT. Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm các chuyên gia khoa học, các chuyên gia pháp luật và đông đảo nhân dân cả nước. Phóng viên PLVN  đã có cuộc trao đổi nhanh với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam về vấn đề này .

Thưa Giáo sư, ngày 21/3 vừa qua, tại cuộc họp về vấn đề ATGT, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chấp thuận rất nhiều biện pháp kiềm chế TNGT trong đó có kiến nghị “cấm cán bộ công chức uống rượu bia vào buổi trưa”. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này thế nào?

Theo tôi, mọi chuyện cấm đoán phải có căn cứ khoa học, ngoài giờ làm việc thì mọi cán bộ, công chức đều là công dân. Họ chịu sự ràng buộc của pháp luật dân sự chứ không phải của thủ trưởng cơ quan. Tuy nhiên, chuyện uống rượu bia dưới ngưỡng an toàn về sức khỏe và về giao thông thì lại là chuyện khác, một chuyện mà mọi người cần hiểu rõ để tự bảo vệ mình và bảo vệ an toàn cho người khác.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
 

Các nhà khoa học cho biết, mỗi cốc bia hay mỗi lon bia (330ml) có chứa khoảng 7g cồn (ethanol), đó là lượng cồn mà gan đủ sức chuyển hóa trong 1 giờ nhờ men NAD (nicotinamid adenin dinucleotid) do gan sinh ra. Như vậy có nghĩa là bạn có thể uống mỗi ngày đêm 24 cốc bia với điều kiện uống mỗi cốc cách nhau …1 giờ.

Chắc không có ai uống như vậy. Họ “dzô dzô” mỗi người vài cốc vại hay vài chai bia là chuyện bình thường. Khi đó lượng bia sẽ quá mức quy định của cảnh sát giao thông (>0,25mg cồn/1 lít hơi thở, hay >50mg cồn/100 ml máu) và chắc chắn sẽ tác hại đến cơ thể không khác gì tác hại của các loại rượu.

Uống vừa phải là giữ sức khỏe cho tương lai lâu dài cho mình và cho gia đình tương lai của mình! Nhất là nếu uống quá mức này sau đó lại tham gia giao thông thì không chỉ nguy hiểm cho bản thân mình mà còn có thể gây thương tích cho cả người khác nữa. Nếu uống dưới 1 cốc bia vào buổi trưa trong bữa ăn thì không có gì đáng phải cấm đoán. Tuy nhiên cần khuyên mọi người chỉ nên uống bia, rượu (ở mức độ hợp lý) vào bữa ăn tối mà thôi.

- Từ góc nhìn khoa học, Giáo sư có thể nói rõ hơn về mối quan hệ giữa TNGT với rượu bia? Theo ông, tác dụng của việc cấm cán bộ, công chức uống rượu bia giờ nghỉ trưa với việc kiềm chế TNGT sẽ như thế nào?  

Bia chứa 3-4% cồn, còn rượu vang chứa 10-12% cồn, rượu gạo (quốc lủi) chứa 25-35% cồn, rượu mạnh chứa 40-55% cồn. Từ đó suy ra nếu ngưỡng cho phép chỉ là 1 lon bia (330ml) trong một giờ thì với các loại rượu khác sẽ phải ít hơn bao nhiêu?

Những người nghiện rượu ít ai biết rằng bên cạnh rất nhiều tác hại khác lên gan, lên hệ tim mạch, hệ tiêu hóa, hệ sinh dục, hệ miễn dịch mà còn tác động lên não bộ. Tác động tức thời là với nồng độ trong 1 lít hơi thở là 0,1 mg đã đủ gây khó cầm nắm, đi lại vụng về, với 0,2 mg đã đủ làm dễ giận dữ, đi lại loạng choạng, với  trên 0,25 mg đã đủ mất khả năng tự điều khiển ô tô, xe máy.

Quy định của cảnh sát giao thông là không được vượt quá >0,25mg cồn/1 lít hơi thở. Với người nghiện bia rượu lâu ngày thì sẽ dẫn đến tổn thương não, teo não, giảm trí nhớ, giảm thị giác, thính giác, khứu giác, giảm các hormone trong cơ thể…   

"Cấm uống rượu, bia quá ngưỡng quy định là yêu cầu đối với mọi công dân chứ đâu riêng gì cán bộ, công chức" - GS Nguyễn Lân Dũng
 

Cấm uống rượu, bia quá ngưỡng quy định là yêu cầu đối với mọi công dân chứ đâu riêng gì cán bộ, công chức. Cũng giống như 19 điều cấm đối với đảng viên thì theo tôi chỉ có vài điều là đặc thù cho đảng viên, còn những điều khác đều thuộc về các quy định của pháp luật hiện hành, nhẽ ra chỉ cần nhắc nhở đảng viên phải gương mẫu thực hiện là đủ rồi.

Có ý kiến cho rằng, cái này đưa ra còn quá muộn và “cấm trưa” vẫn chưa đủ mà phải cấm cả giờ hành chính, Giáo sư nghĩ sao?

Trên thế giới có lẽ cũng chả có nước nào người ta uống rượu hay bia khi đang làm việc, nhất là những công việc có tiếp xúc với dân chúng. Cấm sử dụng rượu bia trong giờ làm việc (hay lao động đối với công nhân, viên chức) là chuyện đương nhiên rồi, có gì mà còn cần phải thảo luận nữa? Ngoài tác hại với sức khỏe bản thân, rượu bia còn ảnh hưởng trực tiếp đối với chất lượng làm việc của mỗi người (đâu phải chỉ riêng với những người lái xe).

Hiện tại mới là chấp thuận kiến nghị, từ quan điểm của Giáo sư thì cần có chế tài nào để việc cấm này thực sự có hiệu quả?

Tôi thấy đây là chuyện chung của toàn xã hội, do đó chỉ cần trang bị rộng khắp cho cảnh sát giao thông ống thổi thử nồng độ rượu bia trong hơi thở, kèm theo khung phạt tiền đủ sức răn đe, thì các hàng bia hơi, các quán nhậu sẽ không còn thấy ai “đỏ mặt” vào buổi trưa nữa ! Cán bộ, công chức, đảng viên chỉ cần quy định gương mẫu thực hiện là đủ.

Bất kể là ai vi phạm pháp luật đều cần phải xét xử nghiêm minh theo luật định.
 

Mới đây, dư luận xã hội nóng lên với sự kiện ông Phó chi cục Hải Quan Hà Tây “say xỉn” va chạm giao thông và gây rối tại cổng đại sứ quán Mỹ. Theo Giáo sư biện pháp này có hạn chế được tình trạng trên không?

Quan điểm của tôi, xin nói lại, đây là chuyện của toàn dân chứ không phải của riêng cán bộ, công chức. Bất kể là ai vi phạm pháp luật đều cần phải xét xử nghiêm minh theo luật định. Cán bộ, công chức, đảng viên càng cần gương mẫu hơn vì vậy ngoài hình phạt chung theo luật định còn cần bị khiển trách tùy theo các mức độ khác nhau theo quy định của cơ quan, đoàn thể.

Lâu nay nếu kiểm tra nghiêm túc hơi cồn của những người bước ra từ các quán nhậu, quán bia mà vẫn tiếp tục tham gia giao thông thì chắc là số bị phạt sẽ đông lắm (!) Nếu cảnh sát giao thông không đút túi tiền phạt thì Nhà nước sẽ thu được một khoản tiền không nhỏ để phục vụ cho việc nâng cấp hạ tầng giao thông.

Nếu Giáo sư là thủ trưởng cơ quan, ông sẽ làm thế nào để thực thi được “lệnh cấm” này?

Theo tôi thì không nên có lệnh cấm này, vì như vậy có nghĩa là người ngoài cơ quan có quyền sử dụng rượu bia quá nồng độ quy định hay sao? Cần xử lý nghiêm minh theo quy định một cách rộng khắp và thường xuyên (đi kèm với việc đầu tư đầy đủ trang bị thử hơi cồn cho cảnh sát giao thông) để chấm dứt tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu.

Còn đối với cán bộ, công chức, đảng viên thì ngoài việc giáo dục trách nhiệm gương mẫu, chỉ cần bổ sung rõ hơn các hình thức kỷ luật tương xứng khi vi phạm pháp luật (đối với bất kỳ loại vi phạm nào).

- Xin cảm ơn Giáo sư!

Văn Cường (thực hiện)
 

Đọc thêm