Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến của Luật Cảnh vệ là quy định về quyền nổ súng. Theo tờ trình của Chính phủ, pháp luật hiện hành đã quy định các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ tại nghị định.
Nay các trường hợp nổ súng được quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Thẩm tra dự án Luật, Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng quy định nổ súng “để tiêu diệt” đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ là chưa phù hợp với nguyên tắc “người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra” và cần bảo đảm điều kiện về “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết” theo Bộ luật Hình sự.
Để kịp thời ngăn chặn hành vi này, nhiều khi chỉ cần sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ hoặc bắn bị thương, vì nếu đối tượng còn sống sẽ thuận lợi hơn trong công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc.
Ngoài ra, để bảo đảm đồng bộ với Luật Công an nhân dân, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, dự thảo luật quy định trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện của đơn vị, cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật bổ sung một số quyền hạn mới cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ để đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ trong tình hình hiện nay. Như quy định được sử dụng giấy bảo vệ đặc biệt, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, tín hiệu của xe ưu tiên để thực hiện công tác cảnh vệ; được mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ vào cảng hàng không, lên tàu bay để thực hiện công tác cảnh vệ.
Về quy định này, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện được quy định tại Nghị định số 128/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/10/2006 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Cảnh vệ thì nay các trường hợp nổ súng được quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Về thẩm quyền trưng dụng, dự thảo luật quy định sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ được “thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện… theo quy định của pháp luật”.
Thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng theo quy định của Hiến pháp thì trong một số trường hợp cần thiết chỉ “Nhà nước” mới có quyền trưng dụng tài sản. Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản đã quy định rất chặt chẽ, chỉ giao một số Bộ trưởng và Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền quyết định trưng dụng tài sản nhưng không được phân cấp thẩm quyền này.
Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị sửa lại là, trong trường hợp cấp bách thì sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được “trưng dụng tài sản, phương tiện… theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản”.
Đọc tờ trình trước Quốc hội, Thượng tướng Tô lâm - Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: Việc ban hành Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; mục tiêu trọng yếu của quốc gia; các sự kiện quan trọng trong và ngoài nước.
Theo quy định mới này, lực lượng Cảnh vệ được xác định là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, có chức năng thực hiện các biện pháp cảnh vệ để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Luật này.
Hoạt động hợp tác giữa lực lượng Cảnh vệ Việt Nam và nước ngoài khi thực hiện hoạt động cảnh vệ trên lãnh thổ Việt Nam và trên lãnh thổ nước ngoài được thực hiện theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận trực tiếp giữa Việt Nam với quốc gia có liên quan trên nguyên tắc có đi có lại, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế....