Không ngừng nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác tư pháp, pháp chế

(PLVN) -Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành thời gian qua đã được chú trọng, tăng cường, qua đó giúp việc trao đổi, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ được thông suốt và kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong công tác tư pháp, pháp chế.

Phối hợp toàn diện, sâu rộng

Là một trong những Bộ có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, toàn diện với Bộ Tư pháp, trong giai đoạn 2015-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai thực hiện nhiều hoạt động phối hợp thiết thực, hiệu quả, công tác pháp chế ngành Giáo dục được triển khai một cách bài bản, đảm bảo chất lượng. Hai Bộ có sự phối hợp hiệu quả trong công tác chuyên môn pháp chế về xây dựng pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật…

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2020-2025
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2020-2025 

Đặc biệt, hai Bộ đã phối hợp trong việc xây dựng, thẩm định, trình Chính phủ, để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục năm 2019 theo đúng chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội. Đội ngũ những người làm công tác pháp chế của ngành Giáo dục ngày càng được nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng văn bản do Bộ chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền về cơ bản đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Để tiếp nối những kết quả đã đạt được thời gian qua trong hoạt động phối hợp, Bộ trưởng hai Bộ đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2020-2025. Trong đó tập trung vào việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình, đề án, dự án có liên quan đến giáo dục và đào tạo; tiếp tục phối hợp triển khai Đề án tổng thể phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh thành Trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà ký kết quy chế phối hợp
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà ký kết quy chế phối hợp 

Nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên, từ năm 2019, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết Quy chế phối hợp. Trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng xây dựng và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường; thực hiện hiệu quả công tác giám định tư pháp liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường; nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm; tăng cường hiệu quả phối hợp trong công tác THADS, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực đất đai… Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, mối quan hệ giữa 2 Bộ rất gắn bó, góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quy chế phối hợp giữa 2 Bộ sẽ làm cơ sở để các địa phương xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Tư pháp và Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để phối hợp thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực công tác nêu trên.

Luôn xác định mối quan hệ phối hợp với Bộ Tư pháp có tầm quan trọng đặc biệt, thời gian qua, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã tích cực triển khai nhiều hoạt động phối hợp hiệu quả. Hai ngành đã phối hợp hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng; phối hợp Bộ Công an trong việc thực hiện rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, bộ luật quan trọng. Công tác phối hợp giữa hai Bộ trong công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự; xác minh, kê biên, phong tỏa tài sản thi hành án từ giai đoạn điều tra; phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến thông tin hộ tịch, nơi cư trú của công dân; phối hợp liên ngành về giám định tư pháp… đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận và tiếp tục là những lĩnh vực trọng điểm trong việc phối hợp. Sự đồng hành giữa hai Bộ được đánh giá là không chỉ góp phần tạo điều kiện cho lực lượng Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, phổ biến và thực thi pháp luật mà còn góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu chung là bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. 

Trên nền tảng phối hợp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, Bộ Tư pháp và Hội Luật gia Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2018-2023. Một trong những nội dung quan trọng của công tác phối hợp đó là đề xuất, triển khai các biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm phổ biến sâu rộng Hiến pháp, các luật, pháp lệnh mới ban hành và các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tư pháp và cho đối tượng là hội viên Hội Luật gia các cấp phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên. Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, các nội dung phối hợp đều thuộc lĩnh vực chuyên sâu của hai Bên và có khả năng thực hiện tốt. Việc triển khai Chương trình phối hợp một cách chặt chẽ, bài bản, tích cực và thường xuyên, từ đó hai Bên sẽ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mỗi cơ quan.

Đa dạng các đối tượng thụ hưởng

Những năm qua, các doanh nghiệp đã có sự chủ động, tích cực hơn khi tham gia vào xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể hiện qua số lượng và chất lượng ý kiến tham gia. Nhiều cơ quan soạn thảo chủ động đề nghị tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp, nhiều cơ quan rất tích cực phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy ý kiến doanh nghiệp nhiều lần, đối với nhiều phiên bản, tại nhiều địa phương. Trong quá trình thực thi chính sách, doanh nghiệp, hiệp hội, thậm chí là chính quyền địa phương đã thông qua VCCI để nêu lên những vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật kinh doanh. 

 

Đặc biệt, đã có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời hơn giữa VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là với Bộ Tư pháp. Điển hình phải kể đến Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 585/QĐ-TTg ngày 5/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 10 năm triển khai, đã góp phần tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

Với sự phối hợp thiết thực, chặt chẽ giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong suốt thời gian qua, đối tượng phụ nữ nói chung và nhóm phụ nữ yếu thế nói riêng cũng là một trong những đối tượng được thụ hưởng nhiều quyền lợi từ các lĩnh vực của công tác tư pháp. Trong đó phải kể đến việc phối hợp triển khai hiệu quả Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027"; thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý cho nhóm phụ nữ yếu thế; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật….

Công tác pháp luật được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Hội Cựu chiến binh, vì vậy, tại nhiều địa phương, Sở Tư pháp và Hội Cựu chiến binh tỉnh/thành phố đã ký kết Chương trình phối hợp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý đối với cựu chiến binh, cựu quân nhân trên địa bàn. Thông qua đó, Hội Cựu chiến binh các tỉnh, thành phố kịp thời chuyển tải thông tin pháp luật, phổ biến các quy định, chế độ, chính sách của Nhà nước đến từng thành viên, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho cựu chiến binh, cựu quân nhân. 

Nhờ sự phối hợp tích cực của các cấp Hội Nông dân với các ngành, đặc biệt là trong công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với mô hình “Nông dân với pháp luật” được triển khai rộng khắp các địa phương mà ý thức pháp luật của hội viên, nông dân đã được nâng cao rõ rệt. Nhờ đó giúp hạn chế khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người; hòa giải tranh chấp; bảo đảm an ninh trật tự, phát huy dân chủ ở cơ sở, gìn giữ sự đoàn kết tình làng nghĩa xóm ở địa bàn nông thôn. Đồng thời góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện để nông dân tham gia quản lý nhà nước, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.  

Đọc thêm