Sau khi loạt bài nói trên được đăng tải, PLVN nhận được nhiều ý kiến phản ứng với quy định công khai tên cha, mẹ trên Chứng minh nhân dân (CMND) của người được cấp. Để rộng đường dư luận và sự phù hợp của các quy định, PLVN xin trở lại vấn đề trên với ý kiến của cơ quan đã “chắp bút” xây dựng Thông tư số 27/2012/TT-BCA về mẫu CMND và phản biện của chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực nhà nước và pháp luật, cùng bạn đọc làm rõ thêm vấn đề mà cả dư luận và công luận đang rất quan tâm.
[links()]Sau khi loạt bài nói trên được đăng tải, PLVN nhận được nhiều ý kiến phản ứng với quy định công khai tên cha, mẹ trên Chứng minh nhân dân (CMND) của người được cấp.
Để rộng đường dư luận và sự phù hợp của các quy định, PLVN xin trở lại vấn đề trên với ý kiến của cơ quan đã “chắp bút” xây dựng Thông tư số 27/2012/TT-BCA về mẫu CMND và phản biện của chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực nhà nước và pháp luật, cùng bạn đọc làm rõ thêm vấn đề mà cả dư luận và công luận đang rất quan tâm. Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Phải hỏi dân nếu “đụng” đến quyền lợi của họ! Bởi những thay đổi của CMND sẽ khiến một bộ phận không nhỏ người dân phải chịu sự điều chỉnh của quy định này.
|
GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội |
CMND chủ yếu phải phục vụ người dân
GS.Trần Ngọc Đường cho rằng, CMND là một vật tùy thân của công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quan hệ với nhau cũng như trong quan hệ giữa công dân với nhà nước. Vì vậy, nó trước hết là vì người dân, vì sự thuận tiện của người dân trong tất cả các loại giao dịch, kể cả giao dịch với nhà nước. Với mục đích chủ yếu và cơ bản đó, CMND cũng góp phần làm cho các cơ quan quản lý nhà nước thuận tiện trong vấn đề quản lý, nhưng đó không phải là mục tiêu được đưa lên hàng đầu.
Bởi vậy, GS.Trần Ngọc Đường cho rằng, việc ghi tên bố mẹ vào đằng sau CMND, xem đó như là một cải tiến để giúp quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền tốt hơn là chưa phù hợp. Ông dẫn chứng: “Nếu nói để giao dịch với ngân hàng thuận tiện hơn là không phải vì giao dịch với ngân hàng có những điều kiện riêng mà không có quy định nào nói có cha, mẹ là điều kiện cho giao dịch thuận lợi, là tiêu chí để ngân hàng tin họ hơn. Nếu nói để thuận lợi hơn cho việc truy bắt tội phạm trong quá trình điều tra của cơ quan Công an cũng không phù hợp.
Bởi trong điều kiện công nghệ làm CMND như hiện nay bắt tội phạm ở đâu cũng có thể bấm máy tra được thông tin nhanh. Còn nói để tiện lợi cho dân trong thừa kế cũng chẳng thuyết phục vì CMND không có vai trò quan trọng trong chia thừa kế. Tên cha, mẹ trên đó chưa đủ chứng minh quan hệ thừa kế, có khi nó còn chưa chắc đã chính xác.”
Theo GS Đường, với kỹ thuật và công nghệ làm CMND mỗi công dân có một mã vạch, nếu biết được mã vạch đó bấm lên hệ thống sẽ biết hết toàn bộ thông tin của cá nhân chứ cần gì phải phải ghi tên bố mẹ lên CMND cho tốn mực, tốn giấy. “Xét trên phương diện kỹ thuật, công nghệ làm CMND trong thời đại hiện nay, việc có ghi tên cha, mẹ vào hay không , hoàn toàn không có ý nghĩa gì lớn. Nếu thay đổi thì hộ chiếu có phải đưa thêm cha, mẹ vào không, vì đây là loại giấy tờ tùy thân duy nhất được dùng để thay thế CMND? ” - GS.Đường nói.
Giống như quan điểm của một số nhà chuyên môn khác, GS.Trần Ngọc Đường cho rằng, nếu đưa tên cha, mẹ vào CMND sẽ “đụng” đến một số quy định pháp lý khác về quyền của trẻ em hay quyền của người phụ nữ được làm mẹ. Người mẹ có quyền giữ kín thông tin về người cha và nếu thủ tục hành chính khơi lại chuyện đó để ghi tên cha, mẹ đứa bé phải sẽ đụng đến cái gì đó mà đứa trẻ hay người mẹ đều không muốn.
Không thể không lấy ý kiến
Về quy trình ban hành quy định mới này, GS.Trần Ngọc Đường nhấn mạnh là cần phải lấy ý kiến rộng rãi. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định, những vấn đề liên quan thiết thực đến lợi ích của người dân thì phải lấy ý kiến rộng rãi của chính đối tượng bị tác động. Sau đó, tổng hợp, đánh giá những quy định mới đó có hiệu quả như thế nào so với chính sách cũ.
Theo GS Đường thì: “Đó là qui định, “đụng” đến quyền, lợi ích cơ bản của người dân nên phải tổ chức lấy ý kiến chứ không thể nào không lấy. Người dân là đối tượng có quyền và nghĩa vụ đối với CMND của mình. Nếu ngành Công an cho rằng chỉ lấy ý kiến của công an các địa phương là chưa phù hợp. Như tôi đã nói, mục đích chính của CMND là để phục vụ cho người dân chứ không phải là để quản lý vì vậy nếu hỏi ý kiến của người quản lý thì chắc chắn họ đồng ý ngay vì rõ ràng là nó thuận lợi cho họ”.
Về thông tin sẽ có ngoại lệ cho những trường hợp “nhạy cảm” như không rõ tên cha mẹ, con ngoài giá thú… GS.Trần Ngọc Đường lưu ý, nếu thực hiện, cơ quan chức năng phải có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản chứ không phải chỉ đạo bằng miệng. Mỗi người quan niệm về nhạy cảm mỗi khác và nếu không hướng dẫn thì biết thế nào là “nhạy cảm”?.
“Về vấn đề này, tôi cho rằng, việc quan trọng là trong tàng thư lưu trữ phải đầy đủ thông tin, thông tin phải chính xác, mỗi cá nhân có một mã vạch để tiện cho cơ quan chức năng khi cần thông tin. Còn việc kê khai tên cha , mẹ trên CMND không có ý nghĩa gì lớn trong việc phục vụ cho công tác chống tội phạm” – GS,TS Trần Ngọc Đường nói.
Thanh Quý - Tuấn Anh