Không thu hút đầu tư những ngành gây ô nhiễm môi trường

(PLO) - Hôm qua (11/11) tại Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với CLB các Trung tâm xúc tiến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị đầu tư vào ĐBSCL thường niên lần 4 với chủ đề “Cơ giới hóa nông nghiệp và đầu tư phát triển kỹ thuật thông minh”.
Người dân ĐBSCL vẫn còn sử dụng sức kéo thô sơ trong canh tác.
Người dân ĐBSCL vẫn còn sử dụng sức kéo thô sơ trong canh tác.

ĐBSCL có hơn 5 triệu lao động nông nghiệp

Hội nghị có sự tham dự của 350 đại biểu, trong đó có lãnh đạo các tỉnh, thành ở ĐBSCL, hơn 60 doanh nghiệp, chuyên gia, Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán các nước: Nhật Bản, Anh, Hà Lan, Úc, Canada, Hoa Kỳ,…

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, ĐBSCL là vùng nông nghiệp lớn của cả nước, đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Kinh tế các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL phát triển nhanh và ổn định, tăng trưởng GDP luôn cao hơn mức bình quân cả nước.

Đây là nơi đầu tư mới, lý tưởng cho các công ty, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. ĐBSCL có vị trí địa lý thuận lợi phát triển kinh tế, kết nối giao thông trực tiếp và cơ sở hạ tầng hoàn hảo. Có nguồn nhân lực dồi dào phát triển nông nghiệp và các ngành dịch vụ. Trong 10,5 triệu lao động của ĐBSCL đã có hơn 5 triệu lao động nông nghiệp. 

ĐBSCL sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, đầu tư vào cơ khí, dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp và các ngành ứng dụng công nghệ sinh học. Tuy nhiên, tuyệt đối không thu hút đầu tư những ngành gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống và sự thân thiện với thiên nhiên.

Bên cạnh đó, nguồn lực trẻ ở các trường đại học của ĐBSCL cũng được quan tâm, đào tạo và rèn luyện để tạo động lực tiếp nối và phát triển kinh tế vùng. ĐBSCL đã tổ chức nhiều chương trình khởi nghiệp mang tính liên kết vùng cho sinh viên, tập trung vào các ngành ICT, công nghệ sinh học, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến thực phẩm, giải pháp kinh doanh,…

Thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp: Bắt đầu từ nông dân

Ông Koji Takimoto, Trưởng đại diện Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh khẳng định ĐBSCL có nhiều điều kiện thuận lợi thu hút nguồn lực, đầu tư từ các nước. Lợi thế lớn nhất là đất đai và nhân công rẻ, hoàn thiện hạ tầng giao thông, phát triển các khu công nghiệp. Hiện bộ, ngành hữu quan và các địa phương 2 phía Việt – Nhật sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp, hướng tới mở rộng cơ hội hợp tác của các doanh nghiệp, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao. Trong thời gian tới, sẽ trực tiếp giới thiệu nông dân Nhật đến với các tỉnh ĐBSCL và tập hợp những người làm nông nghiệp Việt Nam để đối thoại với nước ngoài.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, nông nghiệp, thủy sản của ĐBSCL phát triển ở mức cao. Tuy nhiên việc sử dụng máy móc, cơ giới còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 65% trong khâu quy hoạch lúa. Trong thời gian tới ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng cần thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, đưa nông nghiệp Việt Nam trở thành ngành kinh tế có lợi thế cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Để làm được điều đó, cần tập trung đào tạo nghề và các cách thức sử dụng máy móc cơ giới cho lao động nông thôn để tăng hiệu quả sử dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp. Tại hội thảo, còn có khu trưng bày, quảng bá của các tỉnh trong ĐBSCL giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp địa phương. 

Đọc thêm