Ngày 23/8, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị vừa phát đi thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, tại cuộc họp ngày 21/8 để nghe Sở GD-ĐT báo cáo các nội dung trình kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa X.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 17 ngày 20/7/2022 về chương trình sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh.
Lý giải về việc bãi bỏ Nghị quyết số 17 này, UBND tỉnh cho hay, hiện nay thông tư số 31 của Bộ Y tế đã bị bãi bỏ và chưa có văn bản pháp lý cụ thể nào hướng dẫn về quy định chất lượng dinh dưỡng cho sữa dùng để cung cấp cho chương trình sữa học đường; không có tiêu chuẩn cụ thể để đáp ứng quy định về đấu thầu. Việc thực hiện Nghị quyết 17 không có cơ sở để tiếp tục triển khai.
Để tiếp tục cho chương trình sữa học đường, tỉnh đề nghị Sở GD-ĐT lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh dự thảo trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ sữa tươi trong bữa ăn học đường cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Nam, từ năm học 2023-2024 đến hết năm học 2025-2026.
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế để thống nhất phương án triển khai thực hiện chương trình; đánh giá được ưu, khuyết điểm đối với việc đấu thầu tập trung tại Sở GD-ĐT hay đưa 3 về cho từng địa phương thực hiện.
Sở Y tế chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn sữa tươi để làm cơ sở cho công tác đấu thầu. Sở Tài chính khẩn trương thẩm tra, cho ý kiến để thực hiện đảm bảo quy định. Hướng dẫn cho các địa phương thực hiện đấu thầu, mua sắm nếu phân cấp về cho địa phương triển khai Chương trình.
Chương trình Sữa học đường được thực hiện theo Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh ngày 20/7/2022. Chương trình được áp dụng đối với học sinh học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở 6 huyện miền núi Quảng Nam nhằm tăng thêm nguồn dinh dưỡng, góp phần cho sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh.
Theo đó, mỗi ngày các em học sinh miền núi được uống 1 hộp sữa 180 ml, uống 5 lần/tuần trong thời gian đủ 9 tháng/năm học. Thời gian thụ hưởng từ đầu năm học 2022-2023 đến hết năm học 2025-2026.
Ngân sách tỉnh đảm bảo 100% kinh phí, dự kiến đến hết năm học 2025-2026 khoảng 151 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm học 2022-2023, học sinh miền núi Quảng Nam không được uống sữa theo như nghị quyết ban hành.
Trước đó, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam Thái Viết Tường cho hay, do vướng mắc trong hồ sơ đấu thầu qua các bước thủ tục nên chương trình triển khai chậm.
“Nhằm khắc phục, đẩy nhanh chương trình, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thay đổi cơ chế, cho làm hồ sơ mời thầu theo năm học chứ không theo năm tài chính và UBND tỉnh đã đồng ý”, ông Tường nói.
Ông Tường khẳng định đang phối hợp các sở, ban, ngành để hoàn thiện thủ tục đấu thầu, chắc chắn năm học 2023-2024 học sinh sẽ được uống sữa học đường trở lại.